Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 20/04/2024, lúc 7:27 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 20 » Lễ hội Quảng Ngãi 3
1:27 PM
Lễ hội Quảng Ngãi 3

Hội đua thuyền Tịnh Long

 

Hội đua thuyền Tịnh Long diễn ra vào hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội đua thuyền lớn nhất và được duy trì thường xuyên trên dòng sông Trà Khúc. Tham gia hội đua thuyền Tịnh Long có 4 thôn: An Đạo, An Lộc, Gia Hòa và Tăng Long.

 

Mỗi thôn/làng có một thuyền đua, dài khoảng 8m, được trang trí theo các con vật trong tứ linh. Cách chạm trổ, trang trí các thuyền đua ở Tịnh Long đơn giản hơn ở Lý Sơn, không có phần đầu và phần đuôi thuyền riêng.

 

Trước khi đua thuyền, các ban tế tự và các đội thuyền đua cũng làm lễ đưa thuyền hạ thủy. Sau nghi thức này, cuộc đua mới chính thức bắt đầu. Cách thức đua thuyền ở Tịnh Long cũng giống cách thức đua thuyền ở Lý Sơn, như bắt thăm cọc tiêu, chuyển vị trí theo kiểu tiệm tiến trong suốt 2 ngày. Và cuối cùng phân giải bằng cách tính điểm các lần đua.

 

Mặc dầu không đậm yếu tố tín ngưỡng, không được tổ chức quy mô như Lý Sơn, nhưng lễ hội đua thuyền Tịnh Long cũng thu hút hàng vạn người khắp nơi trong tỉnh về dự hội.

 

Ngoài các hội đua thuyền truyền thống, do chính dân làng đứng ra tổ chức, một loại hình lễ hội dân gian, còn có các hội đua thuyền do ngành thể dục thể thao phối hợp với ngành văn hóa, hoặc với Đài Phát thanh - Truyền hình tổ chức, như các hội đua thuyền ở sông Cổ Lũy (huyện Tư Nghĩa), cửa Sa Cần (huyện Bình Sơn), hồ Tôn Dung (huyện Ba Tơ), biển Minh Tân (huyện Mộ Đức), có khi cho toàn huyện, có khi cho toàn tỉnh. Đây là các lễ hội do các cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức, cũng thu hút khá đông đảo người xem, chỉ thuần túy là một hoạt động thể thao và vui chơi, giải trí, ít có yếu tố tín ngưỡng, và cũng không thường xuyên. Có một vài nơi các tay chèo tham gia hội thi là phụ nữ, như ở Sa Cần.

 

*

*          *

 

Nhìn chung, các loại hình lễ hội của người Việt ở Quảng Ngãi khá đa dạng và phong phú, mang nhiều giá trị giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, giá trị nhân văn, làm cố kết cộng đồng, đáp ứng ít nhiều nhu cầu vui chơi, giải trí cho đông đảo nhân dân trong tỉnh. Lễ hội của người Việt ở Quảng Ngãi cũng có nhiều nét tương đồng với các loại hình lễ hội của người Việt trong cả nước, nhất là trong các lễ tết, nhưng cũng có nhiều nét riêng, trong quy mô tổ chức, nội dung và hình thức tổ chức, mang đậm sắc thái địa phương, vùng miền. Việc phân bố các loại hình lễ hội cũng không đồng đều giữa các vùng, miền, tập trung nhiều nhất là ở các vùng ven biển, vùng sông nước.

 

II. LỄ HỘI CỔ TRUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi hiện còn lưu giữ được nhiều loại hình lễ hội hết sức phong phú. Những lễ hội này chủ yếu gắn liền với chu kỳ của vòng đời cây lúa rẫy và lịch thời tiết. Tiêu biểu có các lễ hội: lễ tết năm mới, lễ hội ăn trâu.

 

1. TẾT NĂM MỚI

Cũng như các dân tộc khác, Tết năm mới là lễ hội lớn đầu tiên trong năm của các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi, nhằm tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho cộng đồng làm ăn được mùa, phát đạt, tránh được dịch bệnh, rủi ro, thiên tai. Đây cũng là dịp cả cộng đồng vui chơi thỏa thích sau một năm làm ăn, sinh sống. Về cơ bản, lễ Tết năm mới của các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong giống nhau về mục đích, hình thức và quy mô tổ chức, nhưng Tết của mỗi dân tộc cũng có ít nhiều những nét riêng, và ngay chính lễ Tết của một tộc người mỗi nơi cũng có khác biệt. Những miêu tả dưới đây chỉ mang tính phổ quát.

 

1.1. TẾT NĂM MỚI CỦA NGƯỜI HRÊ

Tết năm mới của người Hrê có tên gọi là H’tênd, thường được tổ chức vào đầu tháng 2 đến hết tháng 3 Âm lịch. Trước đây người Hrê ăn Tết cả tháng, nhưng nay cũng chỉ dừng lại trong 3 ngày, và mỗi plây tự chọn cho mình 3 ngày ăn Tết riêng, không plây nào giống plây nào, tùy thuộc vào sự lựa chọn của chủ làng (thông qua sự giao tiếp với thần linh bằng quẻ bói giò gà và lễ xin âm dương). Thời điểm ăn Tết của người Hrê cũng là thời điểm lúa đã làm cỏ xong, cây trái đâm chồi nẩy lộc, tiết trời ấm áp.

 

Để đón Tết, người Hrê chuẩn bị chu đáo nhiều loại lễ vật, gạo, muối, củi, ủ rượu cần, dựng nêu... Ngày Tết thứ nhất được bắt đầu bằng lễ cúng dọn nhà để đuổi tà ma và mừng lộc mới vào lúc trời mờ sáng. Sau lễ cúng dọn nhà, người Hrê còn cúng Kla Hoanh, Chem Prai, Quai Xirô, là các yang (thần, ma) của sông núi, đất đai, tổ tiên. Khi các lễ tế kết thúc, người Hrê làm bánh bằng nếp (như bánh tro, bánh tét, bánh chưng, không có nhân bên trong), nấu nướng để chuẩn bị cho ngày Tết thứ hai.

 

Ngày Tết thứ hai cũng bắt đầu từ sáng sớm bằng lễ thức cúng trâu (tareo Kapơ). Lễ vật cúng trâu gồm trứng gà, cá kpluh (sống ở suối), thịt heo và bát hương bằng niêu đất. Nghi thức cúng trâu diễn ra trước cửa chuồng trâu trong chừng nửa giờ. Sau lễ cúng trâu, gia đình bắt đầu tổ chức ăn uống, thết đãi khách khứa. Khi đã ngà say người ta bắt đầu hát ca lêu, ca choi, chơi các loại đàn vrook, krâu, múa, chơi chiêng ba... Những trò chơi như phóng lao, chạy vượt núi, kéo co, bắn nỏ, bắn cung... được tổ chức. Những bộ váy áo mới bằng thổ cẩm được trưng diện.

 

Ngày Tết thứ ba gọi là Ốk rok, là ngày Tết mà mọi người đi chúc Tết lẫn nhau. Chúc ông bà thì "sống lâu, đau ốm không đến", chúc nam nữ thanh niên thì "sớm có chồng khỏe, vợ đẹp", chúc con trẻ thì "mau lớn như măng rừng". Cùng với những lời chúc tụng và rượu thịt là những tiếng đàn vrook, krâu, tiếng chinh ba, những làn điệu ca choi, ca lêu được tiếp nối của ngày Tết thứ hai, đầy ắp buôn làng. Buổi chiều, đại diện gia đình bắt đầu ra ruộng, ra rẫy làm phép, và sau đó lại về vui Tết cùng gia đình chủ làng, cùng các gia đình khác trong plây.

 

Mặc dầu Tết của người Hrê được xem là kết thúc sau 3 ngày, nhưng một vài nơi không khí Tết vẫn còn diễn ra trong vài ba ngày sau đó.

 

1.2. TẾT NĂM MỚI CỦA NGƯỜI COR

Tết năm mới của người Cor diễn ra vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 Âm lịch, đây là thời điểm sau khi thu hoạch lúa rẫy, cũng được tổ chức trong ba ngày chính. Mỗi nóc tổ chức ăn Tết riêng, không trùng ngày với nóc khác, tùy thuộc vào sự lựa chọn của già làng và thần linh qua quẻ bói giò gà và xin âm dương.

 

Cũng giống như các dân tộc miền núi Quảng Ngãi khác, để đón Tết mọi thành viên trong gia đình chuẩn bị gạo mới, củi, lá dong, lá đoak, đi săn thêm thú rừng, xuống sông, suối bắt ốc, cua, ủ rượu cần...

 

Buổi tối trước ngày diễn ra lễ Tết chính, người chủ gia đình sẽ cúng hồn lúa bằng nghi thức lấy những hạt lúa thiêng (lúa pađăm) bỏ vào rổ, đặt gần bếp lửa, rồi khấn vái thần linh. Sau khi khấn vái thần linh, người chủ gia đình sẽ xoa lên đầu, trên tay các thành viên trong gia đình với sự cầu mong một năm mới gia đình khỏe mạnh, luôn có lúa gạo đầy nhà, cả nhà no đủ. Đây là lễ thức cúng hồn lúa, vì ngày lễ Tết năm mới cũng là dịp thu hoạch lúa rẫy.

 

Vào ngày Tết đầu tiên mọi nóc đều làm lễ cúng máng nước, cúng tổ tiên và các yang (thần) sông, núi, đất đai tại cây nêu dựng trước sân. Sau khi tế lễ xong cả nóc bắt đầu xẻ thịt heo, làm thịt gà, nấu bánh... để ăn Tết. Trong ngày Tết, người Cor làm các loại bánh như bánh ben aniq (bánh nếp có 3 góc, như kiểu bánh ú của người Việt), bánh ben parok (bánh ống), bánh ben tôôp (bánh tóp)... Khi các lễ tế hoàn tất, các gia đình quây quần ở gươl (tức phần chung của nóc nhà dài) để bắt đầu ăn uống. Ngày nay, các nóc nhà dài không còn nên các gia đình tổ chức ăn uống tại nhà riêng. Khi đã ăn uống no say, mọi người hát xà ru, a giới, chơi chiêng, trống, sáo tà lía, amáp, chơi các loại đàn vrook, cà trớt, múa cà đáo... thâu đêm, suốt sáng.

 

Sáng sớm ngày Tết thứ hai, các nóc nhà tiếp tục tổ chức cúng ông bà, thần sông, thần suối, thần núi, thần trầu, thần quế, thần trâu bò... và cả thần hàng (là vị thần đã phù hộ cho gia đình mua được chiêng, ché, các vật dụng trong nhà...). Sau khi cúng tế xong, mọi người lại bắt đầu ăn uống và tiếp tục múa hát, đánh chiêng... Có nơi còn tổ chức thi tài bắn nỏ, bắn cung, phóng lao, kéo co, đấu chiêng...

 

Sang ngày thứ ba mọi người thăm viếng lẫn nhau, chúc mừng những điều tốt đẹp, và tiếp tục ăn uống, múa hát. Buổi chiều, mỗi gia đình phân công người lên rẫy để phát rẫy phép, và ăn cơm phép trong ống lồ ô (cơm lam) trên rẫy. Đến chiều, tất cả về nhà và lại ăn uống, chúc tụng, hát múa, túc chinh... cho đến suốt đêm.

 

Trong ngày Tết, ngoài bà con họ hàng trong làng nóc thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau, đại diện các nóc khác cũng đến chúc mừng và chung vui Tết với nóc đang ăn Tết.

Chủ đề: Lễ hội miền Trung | Lượt xem: 877 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==