Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 4:17 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Thái Nguyên
9:32 PM
Lễ Hội Thái Nguyên

Lễ Hội Thái Nguyên

LỄ HỘI ÓOC PÒ CỦA NGƯỜI TÀY - THÁI NGUYÊN

Lễ hội Oóc pò hay còn gọi là lễ hội ra đồng (hội cầu mùa) là một lễ hội đã gắn bó lâu đời với dân tộc Tày - Nùng.

 

Gần giống như lễ hội Lồng Tồng diễn ra trong dịp xuân về, lễ hội Oóc pò là một sinh hoạt văn hoá, giúp cho người dân vui tươi thoải mái về tư tưởng; cầu cho con cái mạnh khoẻ, chăm ngoan, học giỏi; cầu cho cái xấu, cái ác ra khỏi nhà, cái may, cái hạnh phúc luôn vào nhà; cầu cho mùa màng tốt tươi chăn nuôi phát triển, trâu đầy đàn, lợn nhiều con năng suất cao.

 

Lễ hội diễn ra vào ngày 28 tháng 3 âm lịch với hai phần lễ và hội. Phần lễ tổ chức trong hội trường hay trong đình, gồm có các mâm xôi, thịt, hương hoa để các già làng và thầy mo, thầy tào khấn vái. Phần hội tổ chức ở ngoài sân làng hay trên các bãi rộng. Phụ nữ thì thi nhau thêu thùa, làm các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ.

 

 

Làm lễ xuống đồng

 

Nam giới thì làm nỏ vót tên, làm bẫy bắt thú rừng. Tất cả tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi. Đàn ông mặc áo chàm đen, phụ nữ mặc váy áo chàm, quàng khăn đen hoặc khăn chàm, cổ đeo vòng bạc duyên dáng. Mở đầu cho khai hội là múa lân, tung còn, đây là trò chơi có nhiều người tham gia. Cây còn làm cao 12 mét thể hiện 12 tháng trong năm. Trên sân khấu tổ chức múa hát văn nghệ đến khuya, đó là các làn điệu hát then, hát sli, hát lượn, hát đối đáp của dân tộc Tày-Nùng. Họ hát bằng cả tấm lòng của mình. Về khuya, các đôi nam nữ tìm hiểu nhau, trao cho nhau chiếc khăn tay, hay chiếc túi thổ cẩm thể hiện vật kỷ niệm đính ước tình yêu... Tan canh họ mời nhau ly rượu dã bạn gửi anh một chén rượu đi đường, cũng là gửi lời thương lời nhớ: hẹn đến lễ hội năm sau. Sau lễ hội Oóc pò nhiều đôi nam nữ đã nên vợ nên chồng.

 

 

Múa biểu diễn những chiêu võ cổ truyền của người Tày

 

Lễ hội Oóc pò thường tổ chức vào đầu năm, ngày rộng tháng dài để có dịp cho bà con các dân tộc hàn huyên trong ngày đầu xuân mới.

___________________________________

NGHI LỄ TRONG SẢN XUẤT - THÁI NGUYÊN

Nghi lễ trong sản xuất nông nghiệp của người Mông (Thái Nguyên): Cũng giống như dân tộc Mông ở nhiều địa phương khác trong cả nước, ngươi Mông ở Thái Nguyên có nhiều nghi lễ đặc biệt trong đời sống hàng ngày. 
Đối với người Mông đời sống kinh tế gắn liền với sản xuất nương rẫy nên họ có một số nghi lễ liên quan để biểu hiện ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc 
Lễ đón mùa hoa màu mới (3/3): Vào ngày lễ này, các gia đình người Mông đều làm bánh, thịt một con gà, cắt một chùm hoa bằng giấy và mang theo ba chén rượu ra ngoài nương ngô để thắp hương. Chùm hoa bằng giấy đủ các màu được treo trên cây ngô với ước nguyện sau này ngô sẽ ra thật nhiều hoa. Chủ nhà thay mặt gia đình làm lễ cúng ngay trên nương để cầu cho một vụ hoa màu mới được bội thu. 
Lễ mừng ngô ra bắp (5/5): là Tết mừng cho cây ngô sắp ra bắp. Vào dịp này người Mông thường thịt gà, thổi xôi, khấn thần trời, thần đất ăn uống vui vẻ và kiêng không đi thăm nương ngô với quan niệm đây là thời điểm nàng ngô đang ra hoa nên cần giữ yên tĩnh để ngô sinh sôi nhiều hạt. 
Lễ mừng vụ thu hoạch hoa mầu (14/7): Đây là ngày con cháu đốt vàng hương gửi cho người chết ở thế giới bên kia và là lễ mừng vụ thu hoạch hoa màu. Tháng 7 là tháng thu hoạch ngô, loại lương thực phổ biến và chính yếu của người Mông nên lễ này thường kéo dài vài ngày. Vào những ngày lễ, mỗi gia đình bẻ một ít bắp ngô về luộc và thịt một con gà để lên bàn thờ cúng gia tiên. Một số gia đình khá giả còn làm bánh ngô nếp và thịt lợn cúng ông bà. Trong lời khấn người Mông thường cầu xin ông bà phù hộ cho mùa màng tươi tốt, gia đình ăn nên làm ra, vui vẻ, có sức khỏe dồi dào. 
Ngoài ra, người Mông cũng duy trì nhiều nghi lễ khác: lễ giết sâu bọ (5/5), Tết trùng cửu (9/9)… trong những ngày này, các gia đình người Mông thường thịt gà, làm bánh cúng tổ tiên và tổ chức ăn uống. (internet)

___________________________________

TẾT NHẢY - THÁI NGUYÊN

Tết Nhảy của người Dao (Thái Nguyên): Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Dao có những cái tết khá đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống. Một trong những cái tết độc đáo là Tết Nhảy. 
Người Dao ở Thái Nguyên từ xưa tổ chức Tết Nhảy vào vào dịp mùng một hoặc mùng hai Tết theo lịch âm ở trước bàn thờ nhà ông trưởng họ. Tục này được thực hiện theo chu kỳ ba năm: Càng nhỏ vào năm thứ nhất, thứ hai, càng lớn vào năm thứ ba. 
Mục đích chính của nghi lễ này là để cầu cúng tổ tiên, cầu khấn tổ tiên phù hộ sang năm mới mọi người trong gia tộc, dòng họ được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà cho mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm phát triển không bị dịch bệnh… 
Đây là nghi lễ của một dòng họ tổ chức để cúng tổ tiên dòng họ mình, tất cả mọi công việc được tiến hành tại nhà của ông trưởng họ, nơi có để bàn thờ tổ tiên của cả họ. Nếu vì lý do nào đấy mà không tổ chức được ở nhà ông trưởng họ, thì mọi người trong dòng họ sẽ họp bàn và chọn trong dòng họ một người có uy tín và hiểu biết, để đứng ra lo công việc này. Trong việc tổ chức lễ Tết nhảy, nếu dòng họ nào làm, thì phải tổ chức nghi lễ trong ba năm liên tục, và ở trong một bản khi có một dòng họ tổ chức lễ tết nhảy thì các họ khác đều không được làm, dòng họ nào có nhu cầu tổ chức nghi lễ này phải đợi sau ba năm mới được làm. 
Một tốp nam thanh niên "sài cỏ” theo sự hướng dẫn của thầy cả "chái peng pi” tổ chức nhảy 14 điệu diễn mở đường bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự tết. Các nam thanh niên sẽ diễn tả hình ảnh mở đường bằng những điệu nhảy. Sau khi đường đã được mở là lúc tổ tiên về. Điệu chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất là nhảy một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ dơ cao; điệu nhảy cưỡi ngựa diễn tả việc tổ tiên cưỡi ngựa về ăn tết; điệu nhảy múa mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần được diễn tả bằng điệu múa cưỡi "pe họ” mô phỏng các tiên nương cưỡi hạc bay về; điệu múa mời tổ sư thầy cả về dự tết diễn tả kiểu đi của hổ "mùng hú”… Mỗi điệu nhảy, múa đều có tính hình tượng cao diễn tả cảnh các thiên thần tổ tiên về hạ giới dự tết với con cháu. 
Kết thúc các điệu nhảy mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ làm lễ rước tượng tổ tiên. Tượng tổ tiên cũng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Dao. Tượng được trạm khắc đẹp với trang phục thời cổ xưa, dài từ 20-25 cm, đường kính thân 5cm, bàn tay phải của các tượng đều cầm thẻ bài. Ngày thường tượng được bọc kín bằng vải trắng. Ngày tết được con cháu rước xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm là thứ nước thơm chế từ vỏ loại cây "sum mụ”. 

Sau lễ tắm gội cho tượng, con cháu lại tổ chức các điệu nhảy, dâng gà. Thầy cả và ba thanh niên tay cầm gà trống đỏ, vàng nhảy theo nhiều động tác dâng gà: có động tác rước gà trên đầu, có động tác "vác” gà qua hai vai, có động tác vừa múa vừa vặt đầu gà… Khi cúng tổ tiên xong thì con cháu phải tắm rửa cho sạch mình để cùng tổ tiên ăn tết. Màn tắm than chính là một điểm nhấn độc đáo. Con cháu nhảy múa quanh đống lửa và sau đó sẽ dùng tay hất tung than, gio trong đống lửa lên người. Có nơi là tắm nước nóng, thay bằng than, đồng bào sẽ dội nước khoảng 60- 70 độ lên người. Kết thúc là điệu múa cờ. 
Tết Nhảy là một nghệ thuật tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian: nghệ thuật nhảy múa, nghệ thuật âm nhạc và nghệ thuật ngôn từ, kể về công lao tổ tiên đến nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ. (internet)

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 740 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==