Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 6:58 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Tiền Giang
10:29 PM
Lễ Hội Tiền Giang

Lễ Hội Tiền Giang

HỘI TỨ KIỆT - TIỀN GIANG

Thờ :4 ông Đuốc, Long, Rông, Thận chống thực dân Pháp 
Thời gian : Ngày 15 đến 16 tháng 8 
Tại :Xã Thanh Hoá, huyện Cai Lậy 
Đặc điểm :Nêu cao tinh thần bất khuất của tứ kiệt làm gương sáng soi chung. 
Bốn người anh hùng được gọi là tứ kiệt này tên là Đuốc, Long Rông và Thận (không ai nhớ họ của các ông) đều quê xã Thanh Hoà, huyện Cai Lậy, tỉnh Đồng Tháp. 
Truyền rằng, khi quân Pháp chiếm Nam Bộ (cuối thế kỷ XIX) bộc lộ rõ âm mưu cướp nước bằng những hành động tàn ác và biến dân ta thành nô lệ, thì 4 ông đã tìm tới nhau, đồng tâm nhất trí kêu gọi mọi người hợp lực đánh đuổi chúng đi. 
Các ông dùng chiến thuật du kích quấy phá chúng. Không có cách nào bắt được các ông, chúng đã hèn hạ dùng mưu hiểm độc, bất ngờ bắt tất cả cha mẹ, vợ con các ông làm con tin và thông báo, nếu các ông không chịu ra hàng, chúng sẽ giết hết. 
Vì lòng hiếu thảo và tình cảm với những người thân yêu, các ông buộc phải để chúng bắt. Kết cục thật bi thảm: quân giặc đã hành quyết và bêu đầu các ông ở chợ, rồi rêu rao ầm ĩ để uy hiếp tinh thần dân chúng. 
Dân làng vô cùng thương tiếc và kính phục các ông, đã nhặt 4 thủ cấp rồi xây cho mỗi vị một ngôi mộ riêng bên nhau, hợp thành khu lăng gọi là lăng Tứ kiệt. 
Hằng năm, vào 2 ngày 15, 16 tháng 8 âm lịch, dân địa phương tổ chức lễ viếng lăng rất trang nghiêm. Dân trong vùng kéo về dự lễ, dâng hương rất đông. Cuộc lễ tưởng niệm các anh hùng trở thành ngày hội.

Các cụ cho biết, các vị rất linh ứng, thường âm phù trong mọi việc trừ gian cùng phù trợ các việc nghĩa giúp dân

__________________

LỄ HỘI KỲ YÊN LÀNG VĨNH BÌNH - TIỀN GIANG

Lễ hội Kỳ yên đình Vĩnh Bình: Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng chạp (âm lịch) hàng năm tại Ðình Vĩnh Bình thuộc thị trấn Vĩnh Bình huyện Gò Công Tây tỉnh Tiền Giang. Trong lễ hội có đưa linh vị đến miễu Thánh Mẫu Thiên Y A Na rồi đưa về đình Vĩnh Bình, dân làng góp nhiều lễ vật, tổ chức múa rồng, làm lễ tế thần bằng vật sống. (internet)

Lễ Hội Kỳ Yên Ở Vĩnh Bình (Tiền Giang)

Ngày nay, lễ hội Kỳ Yên của đình Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, huyện gò Công Tây) là lễ hội Kỳ Yên lớn nhất của tỉnh Tiền Giang. 

Ðình nằm trong nội ô thị trấn Vĩnh Bình, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 27km về phía đông. 

Vùng đất này, thế kỷ XVII đã có người Việt từ các tỉnh miền ngoài đến sống rải rác trên giồng cát, xen lẫn với người Khơ me bản địa. Ðây là một trong ba nơi của xứ Gò Công có người Việt đến sớm (ngoài giồng Sơn Quy thuộc thị xã Gò Công và vùng Ðồng Sơn ngày nay). 

Người Việt đến khai hoang vùng này ngày một đông. Ðáng kể nhất là khoảng nửa sau thế kỷ XVIII, có ông Trần Văn Huê cùng hơn 40 nam nũ đến lập nghiệp. Họ tích cựa khai hoang những vùng đất cao. Ông Huê là người giỏi giang, biết hốt thuốc, sống đức độ, được dân trong vùng quý mến. Năm Mậu Thìn 1808 lập làng Vĩnh Lợi, lúc đó thuộc tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, trấn Ðịnh Tường, ông Huê đứng chân trong chính quyền làng, sửa sang ngôi miễu có từ trước thành đình làng Vĩnh Lợi, to lớn, bằng tre lá để thờ Trần Hoàng như bao ngôi đình khác. 

Bảy năm sau, vào năm Aát Hợi 1815, ông Huê lập chợ Vĩnh Lợi, dân trong vùng quen gọi là chợ Giồng, chợ cũng bằng tre lá, mỗi năm mỗi tu sửa, mở rộng thêm, là một trong 7 chợ của xứ Gò Công thế kỷ XIX. 

Khi ông Huê qua đời (chưa rõ năm), giồng đất này được gọi là Giồng Ông Huê, và chợ Vĩnh Lợi cũng được gọi là Chợ Giồng Ông Huê.

Năm Ðinh Sửu 1877, nhân dịp vua Tự Ðức xa giá về Sơn Quy (vùng thị xã Gò Công nay) để viếng mộ ngoại, làng Vĩnh Lợi tấu trình xin xây dựng một ngôi đình mới. Thế là, ngôi đình mới được xây dựng tại một địa điểm khác, cột gỗ, lớp ngói, nằm phía sau công sở, gần chợ Giồng (nay là khách sạn trong khu vực chợ). 

Người Việt lần lượt di cư ngày một nhiều, có một số người tiếp nhận văn hóa Chàm, thờ chúa Ngọc hay gọi là thờ thánh Mẫu, vì cho rằng thánh Mẫu rất thiêng liêng. Năm 1885, họ xây dựng một ngôi miễu thờ Thánh Mẫu Thiên Y A NA khá lớn, nay còn tốt, nằm phía sau trường Mẫu giáo. Cũng năm Aát Dậu 1885, trong làng xây dựng một trường học, được gọi là trường tổng, là một trong 6 trường của xứ Gò Công. Có chợ, trường, đình, miễu, khu vực này nhanh chóng trở nên sầm uất, đình đám, hội hè cũng rôm rã hơn nơi khác. 

Hàng năm, từ 14 đến 16 tháng chạp, dân làng hoan hỷ vào lễ hội Kỳ Yên (tức lễ hội Cầu An). Do quan niệm Thánh Mẫu rất thiêng, nên mỗi lần cúng đình phải làm lễ viếng Bà tại miễu, đưa linh vị thần đến miếu Bà, cúng tế Bà rất long trọng, rồi mới đưa linh vị thần trở về đình an vị. Dân làng đưa lễ vật: xôi, thịt, trà, rượu, bánh, trái, thậm chí cả heo quay đến cúng đình. Các trò chơi dân gian kéo dài suốt 3 ngày, như đẩy cây, bịt mắt đập nồi, bắt vịt trên sông, ngâm thơ, múa lân, ra câu hò, câu đối v.v… Tại đình, đội múa lân liên tục trổ tài, hết sức vui nhộn. Các đêm có diễn tuồng. Suốt mấy ngày đêm dân làng hồ hởi kéo nhau ra đình, trai tài, sái sắc đua tranh, trẻ em quên không về, người già lo đi lễ, chu tất lạ thường. 

Năm Giáp Thìn 1904, vùng Gò Công tan tác bởi cơn bão lớn, và sau là trận đại dịch. Người chết quá nhiều, không chôn hết. Nỗi kinh hoàng còn ám ảnh đến nhiều năm sau. Dân làng lập "Ðàn tràng” để cầu an. Thầy pháp dựng bài vị Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo để xua đuổi âm binh, cô hồn quấy phá. Nay tượng Ðức Thánh Trần vẫn dựng trong sân đình. Do thờ vua nên hàng năm vào lễ Kỳ Yên, đình phải tổ chức múa rồng cho hợp với tước vị của vua. Ðây là nét đặc biệt của đình Vĩnh Bình mà nhiều đình khác không có. 

Năm 1947, lực lượng Việt Minh đánh vào nhà Việc của Ban hội tề. Nhà Việc bị cháy, lửa lan sang đình Vĩnh Bình, làm đình bị hư hỏng nặng. Các sắc thần không rõ bị thất lạc hay bị cháy, nay không còn. 

Năm 1950, đình được xây mới, do ông Tổng Ngữ đứng ra quyên góp tiền và huy động nhân lực trong làng. 

Năm 1979, do nhu cầu mở rộng quy mô chợ và để có chỗ xây dựng khách sạn, toàn bộ khối kiến trúc gồm: nhà việc cũ, đình và rạp hát đều bị giải tỏa. Ðình tạm dời về miễu Bà (miễu thờ Thánh Mẫu Thiên Y A NA). 

Năm 1995, bà Sáu Biếu, một người giàu có trong vùng, bỏ tiền của và huy động vốn đứng ra xây dựng một ngôi đình mới, lấy mẫu đền thờ Trương Ðịnh, bổ sung một số chi tiết cho thêm phần cổ kính, trên phần đất do Nhà nước cấp sau khi giải tỏa đình. 

Cho đến nay, lễ hội Kỳ Yên của đình Vĩnh Bình vẫn là lễ hội Kỳ Yên lớn nhất tỉnh. 

Từ trưa ngày 14 tháng chạp (âm lịch), đội Lân Rồng của đình đón "Bàn các ấp” của thị trấn – một nghi thức có từ lâu của đình để cung thỉnh những vị đang được thờ tại các miễu và thỉnh vong linh các bậc tiền bối có công với địa phương. Trên bàn là các phẩm vật về nông nghiệp của nông dân như bông lúa, trái cây v.v… để tạ ơn thần linh. Sau đó là lễ đưa linh vị thần đến miếu Bà, cúng tế rồi lại đưa linh vị thần trở về đình. 

Ngày 15 tháng chạp diễn ra các lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền, vong linh liệt sĩ, Cho đến nửa đêm thì cúng tế thần. Nhiều năm trở lại đây, tế thần là một con bò sống với nhạc tế lễ. 

Suốt ngày 16 tháng chạp, dâng làng đến dâng lễ vật (thịt, xôi, bánh, trái…) cùng khách đình các nơi đến cúng tế. Ðội rồng không ngớt mua vui. Khi mặt trời sắp lặn, đội rồng đi quanh chợ, chúc sự phát đạt, thịnh vượng cho mọi người. Nửa đêm, lễ tống gió được tiến hành. Những con tàu bằng giấy kiếng, trang trí cầu kỳ, thắp những cây đèn cầy, thả trôi sông cùng các nghi lễ tống gió độc, xui xẻo ra biển, kết thúc 3 ngày đêm sống trong những linh cảm của nhiều nghi lễ, và náo nhiệt tưng bừng của hội hè. 

Ðể tạo thêm không khí vui tươi của những ngày chuẩn bị đón tết Nguyên đán, huyện Gò Công Tây tổ chức hội xuân tại thị trấn này, thường là từ ngày 10 đến ngày 16 tháng chạp (âm lịch). Tại đây các trò chơi dân gian xen lẫn với trò chơi hiện đại, các cuộc thi thể thao, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, triển lãm thành tựu, các đêm đều có biểu diễn nghệ thuật: xiếc hoặc mô tô bay, ca nhạc … với một số danh ca, danh hài thu hút rất nhiều người ở vùng khác đến xem. 

Cứ mỗi lễ hội Kỳ Yên đi qua, người dân thị trấn Vĩnh Bình lại có niềm vui chờ đón một lễ hội Kỳ Yên khác sẽ tới.

__________________

LỄ HỘI NGHINH ÔNG - TIỀN GIANG

Lễ hội Nghinh Ông : Lễ hội nghinh Ông - một lễ hội dân gian cổ truyền được hình thành, phát triển và duy trì cho đến nay ở huyện biển Gò Công Đông. 
Lễ hội nghinh Ông được tổ chức vào đêm 15 rạng ngày 16 tháng 6 âm lịch hàng năm. Khoảng hơn 20 năm nay, mùng 10 tháng 3 âm lịch được chọn để tổ chức lễ hội. Tháng này biển lặng, ngư dân thảnh thơi nghỉ đánh bắt; ngày này lại có con nước lớn vào ban ngày đã giúp cho việc tổ chức Lễ hội nghinh Ông thuận tiện, đông vui và an toàn. Phần lễ, theo thông lệ hàng năm, cúng Ông có tất cả 4 lễ, diễn ra trong 2 ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 3 âm lịch. Phần hội chủ yếu là các đoàn hát bội được mời về xây chầu để diễn các tuồng tích xưa tại võ ca của lăng để dân chúng thả sức xem hát, ăn uống, vui chơi. Song song đó, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Kéo co, bơi lội, đẩy cây,… thu hút nhiều thành phần tham gia, góp phần tạo cho không khí ngày hội càng thêm vui tươi, huyên náo. 
Có thể nói, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Lễ hội nghinh Ông đã bảo tồn và nuôi dưỡng các giá trị văn hoá ở vùng biển, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá địa phương. Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, nhưng cộng đồng ngư dân vùng biển ở Tiền Giang vẫn duy trì được tập tục thờ cá Ông, một tín ngưỡng của làng nghề truyền thống và được tổ chức lễ hội hàng năm tuỳ theo điều kiện thực tế cho phép; đặc biệt là các nghi thức cổ truyền vẫn gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. 
Từ khi các lễ hội văn hoá dân gian được phục hồi, Lễ hội nghinh Ông ở Gò Công Đông cũng chuyển mình sống dậy. 
Lễ hội nghinh Ông ở Gò Công Đông là một biểu tượng văn hoá dân gian cổ truyền, là di sản văn hoá phi vật thể, là phần cụ thể nhất của bản sắc văn hoá địa phương. Đồng thời cũng là một bộ phận đặc sắc trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc. Nội dung, chương trình của lễ hội ngoài việc phản ánh quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, còn phản ánh đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, của cộng đồng cư dân vùng biển Gò Công. 

Lễ hội nghinh Ông được cộng đồng sáng tạo và gìn giữ, lưu truyền nhằm thể hiện những ước nguyện, những khát vọng tâm linh và thẩm mỹ trong cuộc sống đời thường. 
Để không có sự biến tướng của Lễ hội nghinh Ông, nhất thiết cần có những định hướng đúng đắn và kịp thời trong việc tổ chức, quản lý; để cho dù xã hội càng hiện đại, thì Lễ hội nghinh Ông càng phát triển cả về hình thức lẫn nội dung, tạo ra những giá trị mới nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng trong thời đại mới mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc.

Lễ hội nghinh Ông ở Gò Công Đông cho đến nay vẫn còn giữ được bản sắc riêng của một lễ hội dân gian. Tuy nhiên, đối với công chúng, đặc biệt là công chúng lao động thì ranh giới giữa niềm tin, tín ngưỡng với mê tín dị đoan là rất mong manh, nghĩa là khi có vấn đề suy sụp về tinh thần, từ tín ngưỡng dân gian chuyển sang trạng thái tin tưởng một cách mù quáng chỉ là một tích tắc và sẽ dẫn đến mê tín dị đoan. Mặt khác, nước ta đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập giao lưu với các nước, thì việc bảo tồn nguyên gốc các đặc trưng vốn có của lễ hội này lại càng khó và nguy cơ lai căng, biến tướng, lợi dụng lễ hội để làm kinh tế rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm có định hướng cho người dân trong vấn đề tổ chức, duy trì, phát triển lễ hội để giữ được bản sắc của một lễ hội cổ truyền vốn có từ bao đời nay và giữ gìn được sắc thái riêng của văn hoá địa phương. (internet)

__________________

LỄ GIỖ ANH HÙNG DÂN TỘC TRƯƠNG ĐỊNH

Lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Ðịnh (ngày 20 tháng 8 dương lịch hàng năm)

Bình Tây Ðại nguyên soái Trương Ðịnh tuẫn tiết ngày 20-8-1864. Lễ giỗ được tổ chức tại đền thờ Trương Ðịnh (tại thị xã Gò Công), đình Gia Thuận (huyện Gò Công Ðông, tỉnh Tiền Giang) với qui mô lớn, khách nhiều tỉnh hàng năm đều về dự lễ. Ở thị xã Gò Công có thêm lễ rước linh va` dâng hoa tại tượng đa`i anh hùng dân tộc Trương Ðịnh. (internet)

Lễ tưởng niệm 145 năm

ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết

Sáng ngày 18/8/2009, Lễ tưởng niệm 145 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết đã được tổ chức long trọng tại đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Đến dự lễ có ông Cao Khoa- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành chức năng của tỉnh, lãnh đạo huyện Sơn Tịnh, xã Tịnh Khê cùng đông đảo học sinh, giáo viên và người dân trên địa bàn huyện, xã quê hương ông. 

Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, người làng Tư Cung nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Năm 24 tuổi (1844), ông theo cha vào Nam, chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp trở thành bậc tiền hiền mở đất khai cơ ở vùng Tân An- Định Tường. Nước nhà nguy biến, năm 1854, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản Cơ. Tháng 2/1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.

Năm 1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại Nguyên Soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống giặc Pháp.

Cách đây tròn 145 năm, rạng sáng 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám Lá Tối Trời, nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng – Năm ấy ông tròn 44 tuổi. Sự nghiệp của ông đã mở đầu cho công cuộc chống thực dân Pháp hàng thế kỷ. 

[Chỉ những thành viên đã đăng ký và kích hoạt mới có thể thấy liên kết] Lễ hội đền thờ Trương Định tổ chức tại Quảng Ngãi năm 2007 
Ngày 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám Lá Tối Trời, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng – Năm ấy ông tròn 44 tuổi.

Sau khi Trương Định tuẫn tiết, thi hài ông được gia đình và nhân dân mang về an táng rất trọng thể tại một địa điểm nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964, ngôi mộ được tu bổ khang trang và giữ nguyên dáng dấp đến ngày nay dù đã qua nhiều lần trùng tu. Đến năm 1972 đền thờ ông cũng được xây dựng trên đất Gò Công.

S/T


Ỏ quê nhà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, sau ngày Trương Định hy sinh, triều định Huế đã cho xuất tiền xây dựng đền thờ ông tại làng Tư Cung, nơi ông sinh trưởng và giao cho các quan tỉnh Quảng Ngãi tế tự hàng năm. Ngôi đền đã bị hư hại trong chiến tranh và mất hẳn dấu vết. 

Năm 2007, thể theo nguyện vọng của nhân dân và cũng để tỏ lòng tri ân người anh hùng đã hy sinh vì nghĩa lớn, huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng lại đền thờ Trương Định để làm nơi hương khói, thờ phụng người anh hùng.


Tại lễ Tưởng niệm, lãnh đạo tỉnh, huyện cùng các em học sinh và nhân dân trong vùng đã dâng hương tưởng nhớ anh linh của vị anh hùng dân tộc và tham quan đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. 

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Quang Thích- Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tưởng nhớ anh hùng dân tộc Trương Định, chúng ta cũng luôn tâm niệm với anh linh của Người và các anh hùng liệt sĩ- những người đã hy sinh vì nước- sẽ ra sức học tập và làm việc, giữ vững nền độc lập và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh...". 

Được biết, vào chiều ngày 17/8, các bô lão, niên trưởng và bà con ở 2 xã Tịnh Khê và Tịnh Thiện đã tổ chức lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định theo nghi thức truyền thống, có sự chứng kiến và tham dự của chính quyền sở tại. 

Tại tỉnh Tiền Giang, nơi Anh hùng dân tộc Trương Định đã chiến đấu và hy sinh cũng đang diễn ra các hoạt động tưởng niệm Ông. (S/T)

__________________

LỄ GIỖ ANH HÙNG DÂN TỘC THỦ KHOA NGUYỄN HỮU HUÂN

Lễ giỗ anh hùng dân tộc Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân (rằm tháng tư âm lịch hàng năm)

Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân bị giặc Pháp xử chém tại quê nhà (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang). Lễ giỗ được tổ chức tại đền thờ Nguyễn Hữu Huân, thuộc xã Hoà Tịnh huyện Chợ Gạo. Hằng năm đều có các ban ngành trong và ngoài tỉnh, nhân dân trong huyện, học sinh các trường và bà con dòng tộc về dự lễ. (internet)

ANH HÙNG DÂN TỘC THỦ KHOA HUÂN

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân sinh năm Canh Dần (1830) tại làng Tịnh Hà, tổng Thanh Quơn, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) trong một gia đình nông dân khá giả trong vùng. Thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Huân nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 1852, dưới triều vua Tự Đức, ông thi Hương tại Gia Định đậu thủ khoa được bổ làm Giáo thụ, tức Đốc học huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông bỏ chức Giáo thụ, từ biệt gia đình, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc.

Đầu năm 1862, giặc Pháp đánh úp. Ông bị bắt và giải về Sài Gòn. Đích thân tên việt gian Đỗ Hữu Phương (tức Tổng đốc Phương) dùng mọi thủ đoạn mua chuộc. Ông từ chối và khôn khéo tìm cách trở lại hoạt động, liên kết với nghĩa quân Trương Định khởi nghĩa. Tháng 6-1863, giặc phát hiện căn cứ hoạt động của ông tại Thuộc Nhiêu – Cai Lậy nên bao vây càn quét. Ông và Thiên Hộ Dương chạy thoát về căn cứ Bảy Núi. Dựa vào điều ước Nhâm Tuất (1862), Pháp gửi tối hậu thư buộc quan tỉnh An Giang nộp Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương. Thiên Hộ Dương trốn thoát về căn cứ Đồng Tháp Mười còn Thủ Khoa Huân bị bắt (lần hai), kết án 10 năm khổ sai và đày ông ra đảo Réunion. Sau 7 năm tù, chúng đưa ông về quản thúc tại nhà Đỗ Hữu Phương, cử ông làm Giáo thụ, dạy bảo "sinh đồ” ở Chợ Lớn với hy vọng lôi kéo ông về phía chúng. Nhưng ông đã lợi dụng điều kiện dạy học để liên lạc với các sĩ phu yêu nước chuẩn bị khởi nghĩa. Năm 1875, trong một trận giao tranh với giặc, Đốc binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn quân về bắt Nguyễn Hữu Huân tại Chợ Gạo ngày 15-5-1875 đem giam tại Mỹ Tho (bị bắt lần 3). Ngày 19-5-1875, giặc đem ông về quê Mỹ Tịnh An hành quyết. Năm ấy ông được 45 tuổi.

Sau khi ông mất, để tỏ lòng tôn kính, nhân dân địa phương đã lập đền thờ cách nơi ông bị xử trảm 100m (ngay trường tiểu học Mỹ Tịnh An ngày nay). Năm 1995, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, đền thờ Thủ Khoa Huân dời về cạnh mộ ông. Từ đó khu vực này có tên gọi là "Đền thờ Thủ Khoa Huân”. Ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống. Giữa có bàn thờ, lư hương và bằng công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia. Ngôi mộ, lúc đầu được đắp bằng đất, đến năm 1927, con cháu ông và nhân dân địa phương xây dựng lại bằng đá xanh gồm hai phần: nấm mộ và bia mộ. Theo các vị bô lão địa phương, mộ được xây theo kiểu "Voi phục” vì trông giống như con voi đang nằm áp bụng xuống đất. Nền mộ là những viên đá dày 30cm, rộng 40cm, dài 120cm ghép lại với nhau thành nền để đặt núm mộ với diện tích phần nền bằng đá 4,042m2. Núm mộ gồm 2 tảng đá xanh có hình dáng mô hai đầu cao 70cm, phần giữa lõm xuống cong như lưng voi, phía trước có hoa văn khắc ô chữ nhật xoáy vòng, phía sau hoa văn là những vòng gợn và uốn xoáy lại ở cuối đã được ghép bằng xi măng theo chiều dài. Bia mộ nối liền với núm mộ gồm 3 phần: chân bia, thân bia và mái bia. Chân bia là một khối đá hình chữ nhật có chạm hoa văn hình lá. Thân bia để viết chữ dày 40cm, cao 72cm rộng 100cm. Mái che bằng đá xanh cao 32cm, rộng 38cm. Mái che giả ngói chia làm 8 rãnh, cuối đầu mỗi rãnh có chạm hoa sen, hai đầu chạm 2 con dơi quay mặt ra ngoài tư thế đang bay trông rất sinh động. Ngôi mộ tuy không nguy nga, lộng lẫy nhưng đã nói lên được sự tôn kính của nhân dân địa phương với vị anh hùng dân tộc. Tại đây, các ngành chức năng đã thành lập Ban bảo vệ đền thờ, hàng ngày có người trông nom, chăm sóc khu di tích và đón tiếp khách tham quan. Tưởng nhớ đến ông, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng một tượng đài lớn trong công viên cạnh sông Tiền, ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho. Và công viên này cũng đã chính thức mang tên ông.

Đền thờ và mộ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân có giá trị lịch sử văn hóa. Mười lăm năm chống giặc, ba lần khởi nghĩa, ba lần bị bắt, bị đày tận đảo Réunion nhưng ông không nao núng tinh thần cho đến phút cuối cùng. Đó chính là niềm tự hào dân tộc nói chung, của nhân dân Tiền Giang nói riêng.

Lê Quang Huy – Báo Cần Thơ

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Nam | Lượt xem: 792 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==