Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 20/04/2024, lúc 3:13 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Lễ Hội Trà Vinh
0:00 AM
Lễ Hội Trà Vinh

Lễ Hội Trà Vinh

LỄ HỘI OK OM BOK - TRÀ VINH

Lễ hội Ok -Om -Bok: Đây là lễ cúng trăng (như tết trung thu) được tổ chức hàng năm vào ngày trăng tròn 15/12 (lịch Khmer), tương ứng với 15/10 âm lịch Việt nam.
Theo tín ngưỡng của người Khmer, mặt trăng được coi là vị thần mang lại mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no cho dân làng, khi trăng lên cao là lúc một cụ già tiến hành làm lễ tạ ơn thần mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận lễ vật và ban phước cho mọi người. Lễ hội diễn ra cả tuần lễ, lễ chính được tổ chức tại Ao Bà Om, ngoài việc cúng trăng đêm 15/10 âm lịch, trong lễ hội còn tổ chức nhiều cuộc thi đấu thể dục thể thao, trò chơi dân gian tại các chùa trong tỉnh như: thả lồng đèn gió, lồng đèn nước, đấu võ, kéo co, múa lâm-thol, văn nghệ, trang phục, đua ghe ngo trên sông Long Bình - thị xã Trà Vinh với hàng trăm ngàn lượt khách gần xa trong và ngoài tỉnh đến tham quan.(internet)

 

Bài 2

 

Về Trà Vinh vui lễ hội Ok- om- bok

Đến hẹn lại lên, hàng năm vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch, hàng vạn người dân ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh Trà Vinh đổ về khu di tích văn hóa Ao Bà Om nơi diễn ra lễ hội Ok- om- bok để trẩy hội. Nếu về Trà Vinh đúng vào ngày này, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi hòa mình trong sinh khí tràn ngập cờ hoa; tiếng nhạc ngũ âm cùng tiếng hò reo, cổ vũ các trò chơi dân gian như: kéo co, đập nồi, đẩy gậy… cộng thêm tiếng loa phóng thanh bằng hai thứ tiếng Việt- Khơ me tạo không khí tưng bừng, náo nhiệt đậm chất lễ hội của đồng bào dân tộc Khơ me.

Lễ hội Ok- om- bok hay còn gọi là lễ cúng trăng, được tổ chức định kỳ đúng vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm. Đây là một trong ba lễ chính hàng năm của tộc người Khơ me Nam bộ, gồm: Tết cổ truyền Chôl- Chhnam- Thmây, Sêne Đolta và Ok- om- bok. Theo truyền thuyết, nhằm ghi nhớ và tạ ơn mặt trăng vốn được người Khơ me coi như một vị thần điều động mùa màng, mưa nắng trong năm giúp họ ấm no, hạnh phúc, lễ cúng trăng được tiến hành như sau: đúng vào đêm rằm tháng 10 Âm lịch, trước khi trăng lên đỉnh đầu mọi người trong phum sóc tập trung tại khuôn viên chùa hay khuôn viên nhà - nơi không có bóng cây che khuất mặt trăng. Tại đây, họ xây dựng một cái cổng (hai trụ thường làm bằng trúc) có trang trí hoa lá, dưới cổng đặt 1 cái bàn đặt các sản vật như: chuối, dừa, khoai, cốm dẹp (sản vật cúng trăng tùy theo khả năng của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp). Khi trăng lên cao tỏa sáng, người chủ lễ (cụ già) bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà khấn vái nói lên lòng biết ơn của họ đối với vị thần mặt trăng, cầu cho mưa thuận gió hòa, phum sóc bình yên, mọi người khỏe mạnh…Cúng xong người chủ lễ ngồi chắp tay hướng về mặt trăng, lấy cốm dẹp và các vật cúng khác mỗi thứ một ít đút cho con cháu, tay còn lại đấm nhẹ vào lưng con cháu và hỏi những ước nguyện của con cháu họ...

Trà Vinh là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khơ me nên Ok- om- bok được công nhận là một trong lễ hội cấp tỉnh, tổ chức hàng năm với qui mô lớn, gồm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí vừa mang tính dân gian vừa mang tính hiện đại. Từ đó, ngày càng thu hút nhiều du khách đến từ các tỉnh, thành trong khu vực, trong đó có một bộ phận Việt kiều hàng năm về thăm quê vào dịp lễ hội. Nhằm khuếch trương, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người Trà Vinh với bạn bè gần xa, hàng năm vào dịp lễ hội Ok- om- bok Trà Vinh có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: Tổ chức Hội chợ triển lãm Thương mại- Du lịch, Hội thảo xúc tiến việc làm, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và quảng bá du lịch; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa ba dân tộc Kinh- Khơ me- Hoa…; đặc biệt, tổ chức đua ghe Ngo trên sông Long Bình- con sông đẹp nhất của TP. Trà Vinh.

Đêm lễ hội chính thức bắt đầu đúng vào lúc mặt trời chuyển hẳn về hướng Tây, khuất dần dưới rặng cây cổ thụ cả trăm năm tuổi tại ao Bà Om nhường chỗ cho thần Mặt trăng soi sáng. Lễ hội có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các sở, ban, ngành, các vị sư sãi của 141 chùa Khơ me trong tỉnh cùng hàng vạn người đến từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, đa phần là đồng bào dân tộc Khơ me. Thông thường, sau phần lễ, Ban tổ chức tặng quà cho trẻ em Khơ me nghèo hiếu học; tổ chức sân khấu hóa lễ hội Ok- om- bok, biểu diễn văn nghệ, diễu hành, thi trang phục dân tộc, thi thả đèn gió…Dưới ánh trăng huyền ảo của đêm rằm, những ngọn đèn gió được thả bay bổng lên bầu trời cao lồng lộng, mang cả niềm tin của hơn 300.000 người Khơ me sinh sống ở Trà Vinh vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho họ.

Cứ thế, đêm hội kéo dài gần như bất tận, đến khi thần Mặt trăng chuyển hẳn về hướng Tây, mọi người mới lưu luyến chia tay nhau, trở về với cuộc sống thường nhật và hẹn gặp lại nhau ở mùa lễ hội Ok- om- bok năm sau đông vui hơn./.

 

Theo TTXVN

___________________________________

 

HỘI ĐUA GHE NGO - TRÀ VINH

Hội đua Ghe Ngo : Dịp này còn diễn ra hội đua ghe gỗ truyền thống thu hút nhiều người tham gia. Ghe ngo dài khoảng 24m, ngang 1,2m làm từ thân cây gỗ tốt, mũi và lái đều cong, được trang trí sặc sỡ. Những người tham gia đua ghe là những trai tráng khỏe mạnh, vững tay chèo. Về dự lễ hội Ok-Om-Bok, du khách sẽ có dịp tìm hiểu bản sắc văn hóa riêng của người Khmer, được hòa mình vào những làn điệu dân ca mượt mà mang đậm tính văn hóa dân tộc. Tất cả những điều đó đã níu giữ bước chân bao du khách khi về tới Trà Vinh. (internet)

 

___________________________________

VU LAN THẮNG HỘI - TRÀ VINH

Vu Lan thắng hội: Vu Lan thắng hội là lễ hội truyền thống có gần 100 năm nay diễn ra từ ngày 25- 28/ 7 âm lịch tại Vạn Niên Phong Cung khóm 1, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Trong những ngày này, nhiều nghi lễ được tiến hành trang trọng, độc đáo như: Lễ rước Phật, thần ở các đình, chùa vùng phụ cận về Vạn Niên Phong Cung; Thỉnh kinh - diễn lại câu chuyện thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng; Lễ khai kinh; Đăng đàn thí thực; Cầu quốc thái dân an.... Mục đích của lễ hội là báo hiếu, cầu an - cầu phúc. Đây là lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt, Hoa, Khmer, nó phản ánh đậm nét sự hỗn dung tín ngưỡng. Hàng năm lễ hội đã thu hút hàng chục ngàn người tham dự. (internet)

 

___________________________________

LỄ HỘI NGHINH ÔNG - TRÀ VINH

Lễ hội Nghinh Ông (cúng biển)
Địa chỉ: biển Mỹ Long, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Lễ hội tổ chức trong 3 ngày, từ ngày mùng 10 đến 12 tháng 5 âm lịch hàng năm tại miếu Bà Chúa Xứ, biển Mỹ Long, Mỹ Long, huyện Cầu Ngang. Trong 3 ngày này rất nhiều nghi lễ được tiến hành trang trọng như: Lễ Nghinh Ông nam Hải, lễ rước bà Chúa Xứ, rước Cậu, Tế Thần Nông, Chánh Tế cùng nhiều trò chơi dân gian như nhảy bao, kéo co... lễ hội kết thúc với việc đưa tàu ra biển.

Lễ hội do những người làm nghề biễn ở Mỹ Long tổ chức lần đầu vào năm 1937 với mục đích cầu an. Dần dần đã lôi cuốn được nhiều người tham dự. Những năm gần đây vào những ngày lễ hội, hàng chục ngàn khách gần xa đã về đây dự hội, tham quan làm cho không khí vùng này náo nhiệt hơn. (internet)

 

___________________________________

HỘI SEN ĐÔLTA

Lễ hội Sen Đôlta: - Thời gian diễn ra Hội Sen Đôlta từ ngày 29 tháng 8 đến mùng một tháng chín (Âm lịch).
- Nơi diễn ra lễ hội: tại gia đình người Khmer. Trung tâm lễ hội tại các chùa Khmer và các Phum sóc Khmer.
- Ngày thứ nhất: là dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ. Cúng cơm người đã khuất;
- Ngày thứ hai: mời linh hồn ông bà vào chùa nghe tụng kinh;

 

- Ngày thứ ba: cúng cơm đưa tiễn ông bà. Người Khmer dâng ẩm thực lên các Sư sãi những món đồ thường dùng hàng ngày để cúng ông bà. Cùng với lễ là các trò chơi dân gian, hát xướng dân gian, văn nghệ, ca múa nhạc dân tộc Khmer cũng được trình diễn. (internet)

Bài 2

 

Về Trà Vinh vui lễ Đolta!

Từ ngày 28 đến 30-9, cùng với 1,2 triệu đồng bào Khmer Nam bộ, bà con Khmer ở tỉnh Trà Vinh nô nức đón lễ Đolta (Pithi Sêne Đolta). Đây là lễ lớn thứ hai sau Tết Chol Chnăm Thmây (vào năm mới). Lễ Đolta năm nay, đồng bào Khmer Trà Vinh phấn chấn trong niềm vui "lúa được mùa, đậu phộng trúng giá”…

Mừng lễ Sêne Đolta năm nay, hơn 300.000 người Khmer ở Trà Vinh có nhiều niềm vui mới. Tỷ lệ hộ nghèo giữa 2 mùa Đolta (tròn 1 năm) được kéo giảm xuống hơn 4%. Tại buổi họp mặt 400 đại biểu là cán bộ người Khmer tiêu biểu, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với nước, đại diện Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức ở các chùa Khmer trong tỉnh mừng lễ hội cổ truyền Sêne Đolta.


Ông Thạch Dư, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, phấn khởi cho biết kết quả chuyển biến đời sống của đồng bào Khmer: "Từ đầu năm đến nay, tỉnh Trà Vinh tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư trên 23 tỷ đồng, xây dựng 83 công trình cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh đã giải ngân 3 tỷ đồng cho gần 900 hộ đồng bào dân tộc vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống…”.Năm 1992, khi mới tách ra khỏi tỉnh Cửu Long, tỉnh Trà Vinh đối mặt với nhiều khó khăn bởi hạ tầng yếu kém, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi. Được sự đầu tư của Chương trình 135, đến nay các xã có đông đồng bào Khmer đều có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, một số khu vực có thể sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm; các xã đều có điện sử dụng, hệ thống trường lớp được kiên cố hóa... Hiện Trà Vinh có 95% hộ được sử dụng điện và 87% hộ sử dụng nước sạch sinh hoạt.


Về ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), nơi có 99% bà con là người Khmer, chúng tôi được "già làng” Thạch Sane kể về chuyện sản xuất và đời sống sau 2 năm thực hiện mô hình "4 nhà cùng nhau ra đồng” trong niềm phấn chấn: "Nhiều thế hệ đi qua, nông dân trồng lúa ở đây chưa bao giờ đạt năng suất hơn 5 tấn/ha. Vậy mà bây giờ, 4 vụ lúa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất theo mô hình "4 nhà cùng nhau ra đồng” đều thắng lớn, năng suất đạt bình quân 6,3 đến 6,5 tấn/ha, nhiều hộ thâm canh giỏi đạt năng suất 7,99 tấn/ha, thu nhập người dân tăng 1,5 lần so trước năm 2006. Chỉ với 110ha sản xuất theo mô hình "né rầy”, 4 vụ liền nông dân Cầu Tre thu lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng. Một kết quả tưởng chừng trong mơ”.


Rồi "già làng” Thạch Sane khẳng định chắc nịch với chúng tôi: "Không lâu đâu, người Khmer Cầu Tre sẽ thoát nghèo!”.


Nhà tình thương - đất tình thương


Đến nay, toàn tỉnh có hơn 31.678 hộ Khmer được trợ giúp về nhà ở với mức 5,5 triệu đồng/nhà (Chương trình 134); trong đó, 5.500 hộ sau khi nhận nhà còn được trợ giúp mỗi hộ hai con bò sinh sản, có giá trị 10 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, tự vươn lên ổn định cuộc sống. Riêng 338 hộ Khmer nghèo cầm cố đất được trợ giúp 872 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để chuộc 112ha đất. Tỉnh cũng vận động hơn 1.000 hộ cho 1.400 hộ Khmer mượn 660ha đất để sản xuất...


Vợ chồng nông dân Thạch Sa Rây và Thạch Thị Anh, hộ nghèo nhất ấp Nô Lựa B (xã  Nhị Trường, huyện Cầu Ngang), sau 3 năm "an cư lạc nghiệp” trong ngôi nhà tình thương do nhà nước cấp đang tất bật mở rộng nhà để đón Đolta 2008.


Anh Thạch Sa Rây không giấu niềm vui: "Có được hôm nay là nhờ nhà nước hỗ trợ. Từ 2 con bò cái ban đầu nay đã được thêm 5 con. Bán 5 con bò được 20 triệu đồng, cộng thêm tiền tích lũy từ nghề mua bán củi, vợ chồng tôi mở rộng mái ấm tình thương”. Vợ anh kể tiếp: "Lúc trước nghèo đi mua 2 - 3 lon gạo thiếu, người ta không bán vì sợ không có tiền trả. Tủi thân vợ chồng tằn tiện, mót mái làm ăn và được nhà nước giúp đỡ, giờ thì đuổi nghèo rồi” .


Cùng với chính sách trao nhà tình thương, trợ giống, trợ vốn, trợ giá của nhà nước, phong trào "Lá lành đùm lá rách”, cho mượn đất sản xuất giúp nhau thoát nghèo trong cộng đồng Kinh – Khmer lan tỏa rộng khắp. Câu chuyện thoát nghèo của anh Thạch Hương, ấp Sóc Chuối (xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang) là một điển hình.


Anh Thạch Hương bồi hồi kể: "Lập gia đình năm 1985, cha mẹ hai bên nghèo không để lại một cục đất. Vợ chồng làm thuê, làm mướn suốt năm mà đến ngày tết, ngày Đolta không đủ tiền làm một mâm cơm đàng hoàng để cúng ông bà. Thấy gia cảnh tôi nghèo, năm 2006 nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng nuôi bò, năm 2007 nhà nước cấp cho nhà tình thương. Cảm động hơn là nhờ ông Phạm Hữu Đê, người cùng ấp, tốt bụng cho mượn 8 công đất sản xuất đậu phộng 2 năm liền. Trúng đậu, bò trúng giá, giờ thì tôi mua được 2 công đất sản xuất, 1 xe gắn máy. Gia đình hết nghèo rồi”.

Đình Cảnh

 

___________________________________

LỄ HỘI ĐOAN NGỌ

Lễ hội Đoan Ngọ: Đoan Ngọ (Mồng Năm tháng Năm âm lịch) là một trong những cái Tết cổ truyền quan trọng trong chu kỳ một năm của người Việt, người Hoa Trà Vinh.Theo phong tục, vào ngày Đoan Ngọ, người ta thường đi chơi vùng sông nước, ăn trái cây và uống rượu để "diệt sâu bọ”, trừ bệnh hoạn.

Vào ngày Đoan Ngọ hàng năm, cũng là lúc vào vụ trái cây, cù lao Tân Qui đón hàng ngàn lượt nam thanh nữ tú từ các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… đến dạo mát, ăn trái cây đầu mùa, vui chơi giải trí tạo nên không khí ngày hội vui tươi, náo nhiệt. (internet)

 

___________________________________

NGUYÊN TIÊU THẮNG HỘI

Nguyên Tiêu thắng hội: Nguyên tiêu thắng hội, hay lễ hội Cúng Ông Bảo, diễn ra vào ngày 14 - 15/1 âm lịch hàng năm, tại Phước Thắng cung, xã Đại An, huyện Trà Cú, cách thị xã Trà Vinh hơn 40 cây số về hướng Tây Nam.


Ông Bảo hay Bảo Sanh đại đế, theo tín ngưỡng dân gian Trung Hoa, là vị thần cai quản sức khỏe, tính mạng con người nên lễ hội Cúng Ông Bảo thu hút đông đảo bà con người Hoa ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận về tham dự.

Nghi thức Ông Bảo về "đạp đồng lên xác” dùng dao rạch lưỡi, lấy máu vẽ bùa trong khung cảnh huyền bí, linh thiêng luôn được hàng ngàn người trẩy hội chờ đón. (internet)

 

___________________________________

LỄ CHÔL CHHNAM THMÂY

Lễ Chôl Chhnam Thmây: Đây được xem như là ngày tết của người Khmer (ngày lễ chịu tuổi). Lễ Chôl Chhnam Thmây của người Khmer mang ý nghĩa tương tự như Tết Nguyên đán của người Kinh, là mừng mình thêm một tuổi, với hi vọng năm mới đến với mọi người đều may mắn, những điều tốt đẹp sẽ đến và những điều không may, xui xẻo cũng theo năm tháng cũ mà qua đi.


Lễ Chôl Chhnam Thmây diễn ra ba ngày (13,14,15 tháng 4 dương lịch (đối với năm nhuần sẽ diễn ra ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch ).


Ngày thứ nhất: (Tức ngày 13 tháng 4 dương lịch) được gọi là ngày Thngay Chôl Săng-Kran. Vào buổi sáng của ngày này, bà con dân tộc Khmer đem nhang đèn, lễ vật vào chùa để làm lễ rước đại lịch "Maha Săng Kran” mới. Đến đêm, mọi người tổ chức Lễ cúng rước tiên Têvađa mới, nghe nhà sư thuyết pháp, sau đó ra sân chùa vui chơi văn nghệ, múa hát cộng đồng.


Ngày thứ hai: (Tức ngày 14 tháng 4 dương lịch) được gọi là Thngay Vonabót. Sáng sớm và buổi trưa, bà con đem cơm nước vào chùa làm lễ dâng cơm cho các vị sư sãi và cúng linh hồn tổ tiên, ông bà, những người có công sinh thành dưỡng dục họ nay đã quá cố. Đến chiều hoặc tối, mọi người tổ chức đắp núi cát (thường


gọi là núi vàng, núi bạc ). Và đến sáng ngày hôm sau thì làm lễ xuất thế.

 

Ngày thứ ba: Gọi là ngày Thngay Lông Sắc, là lễ tắm Phật, vào ngày này, sau khi dâng cơm (sáng - trưa) cho sư dùng và nghe thuyết pháp, mọi người đem nước ướp hương thơm cùng nhang đèn vào chùa làm lễ tắm Phật. Sau đó vào chánh điện hoặc đến tháp đựng hài cốt làm lễ cầu siêu cho vong linh những người quá cố.Sau lễ tắm Phật ở Chùa, các gia đình mời Sư về nhà làm lễ tắm Ông Bà, Cha Mẹ tại gia. Sau đó mời ông bà, cha mẹ và các thành viên trong gia đình lại để chúc mừng năm mới. Đến đêm tổ chức ăn uống vui chơi ở gia đình, phum sóc cho đến tận khuya mới chấm dứt.Ngày nay, người Khmer ở Trà Vinh, trong ba ngày của dịp lễ vào năm mới, mọi người thường đến thăm hỏi, chúc tết bạn bè, thân tộc… và tham quan, vui chơi, giải trí ở các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, khu di tích, khu du lịch, danh lam thắng cảnh…. (internet)

Bài 2

 

 

Lễ Hội Tết Chol Chnam Thmay

by Jason Nguyen on February 8, 2011

Lễ hội tết cổ truyền Chol Chnam Thmay mang ý nghĩa là đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên Đán của người Việt, với hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn. Ngoài ra, Tết Chol Chnam Thmay còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới. Lễ hội tết cổ truyền Chol Chnam Thmay được diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch), không cố định ngày, hàng năm đều do các nhà thiên văn bói toán ấn định, tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm sẽ định ra được ngày, giờ cụ thể trong năm đó.


 



Đi đến những khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống trong nhưng ngày này chúng ta sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con. Nào là chuẩn bị ăn mặc gọn đẹp, nhang, đèn, gạo, rượu, thịt, làm bánh, v.v.. Để phục vụ cho việc ăn uống, đãi khách và dâng cho nhà chùa. Mọi người sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, kết cổng chào v.v.. Trong đêm giao thừa, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại , ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba cái để tiễn đưa Teveda cũ và rước Teveda mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Teveda là ông tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian.

tet chol chnam thmay Lễ Hội Tết Chol Chnam Thmay

Tết Chol Chnam Thmay

Lễ hội tết cổ truyền Chol Chnam Thmay được diễn ra trong ba ngày:

Ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnăm Thmây (ngày vào năm mới, lễ rước "Mâh Sangkran mới”). Lễ này có thể tổ chức sớm hay muộn trong ngày, miễn là chọn đúng giờ tốt, theo quan niệm của người Khơme. Mọi người được tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang nhang đèn, lễ vật đến chùa dâng lên các vị sư và được nghe các vị chúc tụng năm mới. Dưới sự điều hành của ông Acha, mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện 3 lần để làm lễ chào mừng năm mới. Đêm lại, nghe các vị sưtụng kinh cầu an năm mới, cầu cho "Quốc thái dân an” và hưởng được 4 pháp của đức Phật (sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh), rồi được nghe các vị thuyết pháp về ý nghĩa của lễ Chôl Chnăm Thmây và sau đó thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát trước sân chùa.


Ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch: mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi. Theo đạo Phật Tiểu thừa, thì các ngày lễ tín đồ đi chùa lạy Phật có bổn phận mang cơm và thức ăn dâng cho sư sãi và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo, rồi các thanh niên nam nữ vui chơi trước sân chùa. Buổi chiều, người ta làm lễ "đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa, để mong gặp được điều lành. Tập tục này cũng bắt nguồn từ một sự tích của một thợ săn bắn gắn với ma thuật cầu mùa của người xưa.


Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk (ngày thêm tuổi), mới chính là ngày chánh cũng là ngày cuối tết, tương tự như hai ngày đầu, sau khi đã dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa, người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm, rồi sau đó tắm cho các vị sư cao niên ở chùa, nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ và hoàn toàn mới. Tiếp theo đó là lễ cầu siêu (Băng Skôl), các vị sư được mời đến tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh, mong vong linh của họ sớm được siêu thoát. Đến trưa, mọi người về nhà để làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình, để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đức Phật, rồi chúc mừng cha mẹ, ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn, đồng thời cũng để rửa những điều không may của năm cũ để sang năm mới vạn sự như ý. Tết Chôl Chnăm Thmây được kết thúc.

Trong ba ngày hội Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt. Tối đến, người ta đốt pháo thăng thiên, thả diều, đánh quay lửa… Các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu. Gái, trai tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dùkê, múa rômvông.

___________________________________

 

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Nam | Lượt xem: 1434 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==