Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào CN, ngày 22/12/2024, lúc 7:36 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Lễ Hội Yên Bái
9:00 PM
Lễ Hội Yên Bái

Lễ Hội Yên Bái

THÚ CHƠI QUAY CỦA NGƯỜI MÔNG - YÊN BÁI

Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng là lúc người Mông ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu chuẩn bị đón Tết. Tết của người Mông thường kéo dài đến hết tháng Chạp. Từ mùng một đến mùng ba, người Mông tổ chức thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân và bạn bè. Sau đó, họ tổ chức vui chơi Tết.

 

Lễ hội của người Mông thường kéo dài với các hoạt động vui chơi như: ném pao, ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy.... Tuy nhiên, trò chơi thu hút được sự chú ý và tham gia của nhiều người là trò chơi đánh quay.

 

Theo tiếng Mông, đánh quay được gọi là Tầu tù lu. Tù lu ( con quay) được làm từ những loại gỗ cứng như : sồi, lim, nghiến hay gốc sơn tra ... có đường kính từ 7 — 10 cm. Con quay có hai đầu, đầu nhọn có tác dụng là điểm chạm của con quay, đầu kia gọt bằng, khi chơi là điểm đánh của những người chơi khác. Để làm được một con quay đạt yêu cầu phải mất từ 40 — 60 phút. Dây đánh quay được se bằng lanh thường được gọi là Cua, được nối với một đoạn Pảng, gọi là gậy làm bằng một đoạn trúc rừng nhỏ cỡ ngón tay cái, dài khoảng 40 cm. Để chơi quay, người chơi thường chọn những bãi đất rộng, phía đối diện có ta luy cao nhằm tránh cho con quay khi chơi văng xuống núi và đảm bảo không gây thương tích cho người chơi.

 

Khi chơi, người chơi thường quấn quay theo chiều tay thuận của mình. Khi có tiếng hô " Tầu Lâu”( đánh đi ) thì lần lượt từng người chơi xuống quay để so tài, ai có quay sống lâu hơn thì được quyền chơi tiếp, người kia xuống quay để những người còn lại đánh vào con quay của mình.

 

Vào những ngày tết hay các dịp hội hè, ở xã Bản Mù thường tổ chức chơi quay giữa các thôn với nhau để chọn ra người những chơi giỏi nhất để tham gia thi đấu với các xã khác trong huyện. Đây cũng là dịp để mọi người giao lưu, gặp gỡ với nhau trong những dịp đầu xuân.

Thú chơi quay của người Mông giúp người chơi rèn luyện sức khoẻ, độ khéo léo, tinh nhanh và phán đoán tốt. Thêm vào đó, người chơi nhận được sự cổ vũ rất nhiệt tình của mọi người, đặc biệt là các thiếu nữ Mông đứng xem bên ngoài. Không ít thiếu nữ đã chọn được bạn tình cho mình là những người chiến thắng, trong số ấy đã nhiều đôi thành vợ, thành chồng sống hạnh phúc bên nhau trên các triền núi cao của miền sơn cư

___________________________________

 

NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI MÔNG - YÊN BÁI

Khi những cơn mưa phùn lất phất bay, chồi cỏ non xanh đang vươn lên mặt đất quyện với khói hương thơm toả ra từ các bản làng người Mông. Núi rừng đang thay da đổi áo, vạn vật, trời mây thêm phần duyên dáng để đón mừng năm mới. Xuân về, ở Trạm Tấu người Mông nhộn nhịp chuẩn bị cho Tết truyền thống. Với nét lịch sử văn hoá được lưu truyền từ lâu đời, Tết của người Mông bắt đầu từ ngày 30/11 đến 5/12 Âm lịch mang nhiều nét riêng biệt mà những dân tộc khác không có được.

Tháng áp Tết, Không khí đón xuân ở các bản người Mông thật háo hức, nhộn nhịp. Nhà nào cũng chuẩn bị giã gạo, máy xay sát gạo hầu như không nghỉ. Mọi người lo sắm đủ đồ ăn thức uống cho những ngày Tết và dọn dẹp nhà cửa. Khói lam chiều trên những mái nhà xua đi cái lạnh của vùng cao. Trên bếp lửa, những xiên thịt phơi hun khói tạo nên một hương vị độc đáo riêng biệt.

 

 

Nẩy pao là trò chơi được nhiều thanh niên nam nữ chơi trong dịp Tết.

 

Theo cách tính lịch riêng của người Mông, một tháng chỉ có 30 ngày và một năm có 12 tháng. Người Mông chọn cúng cuối năm vào các ngày áp Tết nhưng kiêng kị ngày Dần và giờ Dần. Chuẩn bị Tết không thể thiếu gói bánh. Người Mông gói nhiều loại bánh, nhưng đặc trưng nhất là bánh dầy. Làm loại bánh này tốn khá nhiều công sức vì khi giã cần những thanh niên khoẻ mạnh mới đủ sức, giã đều tay thì bánh mới ngon. Bánh dày tượng trưng cho trời đất, âm dương hài hòa, vạn vật phồn thịnh.

 

 

 

 

 

Người phụ nữ Mông cần cù lao động, đi nương, đi rẫy, xe lanh dệt vải quanh năm. Họ chính là nét đẹp góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc được bảo tồn qua bao thế hệ. Chuẩn bị cho Tết, phụ nữ lo sắp xếp những bộ quần áo đẹp mà họ đã cần mẫn dệt suốt năm cho gia đình; còn đàn ông mổ lợn, trang trí làm mới lại căn nhà bằng cách quét mạng nhện, tu sửa những chỗ hỏng, dán giấy trang trí cho căn nhà, các đồ dùng cũng được đánh rửa sạch sẽ. Người Mông dán giấy vào các đồ dùng lao động để chúng được đón Tết cùng với con người. Theo quan niệm từ xưa để lại, ngày Tết đồ dùng lao động như: cuốc, xẻng, cày... cũng phải được nghỉ ngơi sau cả năm cùng với người làm việc vất vả.

 

Để cúng Tất niên, họ chọn con gà đẹp nhất mà chỉ có người chủ gia đình mới được mổ, chọn ba túm lông đầu dán lên tờ giấy màu trang trọng ở chính giữa nhà thể hiện tín ngưỡng tâm linh.

 

Giao thừa chủ nhà bắn ba phát súng kíp để xua đi tà ma năm cũ và cũng là để thử súng. Nếu súng nổ giòn tức là cả năm sẽ bớt đi cái xấu, cái không may mắn. Ngày Tết, mọi người đến nhà nhau chúc cho nhau thêm tuổi, thêm sức khoẻ, sống lâu, làm ăn không bị thất bát, lúa đầy trên gác, ngô treo đầy sàn.

 

Tiếp đến là những cuộc vui chơi. Mọi người không kể già trẻ, trai gái cùng kéo đến một bãi đất phẳng với những trò chơi truyền thống như ném pao, đánh quay, kéo co... Có người ở bản khác đến chơi vài ngày mới về. Khi ra về cũng là lúc cuộc vui đã tàn hay đã tìm được bạn tình mà mình bao năm kiếm tìm, chờ đợi. Đây cũng là dịp mà những đôi uyên ương thành vợ thành chồng. Họ đến với nhau từ những quả pao chao liệng, từ những điệu khèn réo rắt, từ những câu hát giao duyên...

 

 

Đánh quay được tất cả già trẻ trên bản đều thích chơi trong dịp Tết.

 

Khi những cuộc vui chơi ngày Tết kết thúc, mọi người còn tiếc nuối. Tuổi già vừa gặp lại bạn cũ, tuổi trẻ vừa mới kịp kết bạn, trao duyên họ đã phải chia tay, để lại lời hẹn mùa xuân tới.

 

___________________________________

NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI MÔNG - YÊN BÁI

Khi những cơn mưa phùn lất phất bay, chồi cỏ non xanh đang vươn lên mặt đất quyện với khói hương thơm toả ra từ các bản làng người Mông. Núi rừng đang thay da đổi áo, vạn vật, trời mây thêm phần duyên dáng để đón mừng năm mới. Xuân về, ở Trạm Tấu người Mông nhộn nhịp chuẩn bị cho Tết truyền thống. Với nét lịch sử văn hoá được lưu truyền từ lâu đời, Tết của người Mông bắt đầu từ ngày 30/11 đến 5/12 Âm lịch mang nhiều nét riêng biệt mà những dân tộc khác không có được.

Tháng áp Tết, Không khí đón xuân ở các bản người Mông thật háo hức, nhộn nhịp. Nhà nào cũng chuẩn bị giã gạo, máy xay sát gạo hầu như không nghỉ. Mọi người lo sắm đủ đồ ăn thức uống cho những ngày Tết và dọn dẹp nhà cửa. Khói lam chiều trên những mái nhà xua đi cái lạnh của vùng cao. Trên bếp lửa, những xiên thịt phơi hun khói tạo nên một hương vị độc đáo riêng biệt.

 

 

Nẩy pao là trò chơi được nhiều thanh niên nam nữ chơi trong dịp Tết.

 

Theo cách tính lịch riêng của người Mông, một tháng chỉ có 30 ngày và một năm có 12 tháng. Người Mông chọn cúng cuối năm vào các ngày áp Tết nhưng kiêng kị ngày Dần và giờ Dần. Chuẩn bị Tết không thể thiếu gói bánh. Người Mông gói nhiều loại bánh, nhưng đặc trưng nhất là bánh dầy. Làm loại bánh này tốn khá nhiều công sức vì khi giã cần những thanh niên khoẻ mạnh mới đủ sức, giã đều tay thì bánh mới ngon. Bánh dày tượng trưng cho trời đất, âm dương hài hòa, vạn vật phồn thịnh.

 

 

 

 

 

Người phụ nữ Mông cần cù lao động, đi nương, đi rẫy, xe lanh dệt vải quanh năm. Họ chính là nét đẹp góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc được bảo tồn qua bao thế hệ. Chuẩn bị cho Tết, phụ nữ lo sắp xếp những bộ quần áo đẹp mà họ đã cần mẫn dệt suốt năm cho gia đình; còn đàn ông mổ lợn, trang trí làm mới lại căn nhà bằng cách quét mạng nhện, tu sửa những chỗ hỏng, dán giấy trang trí cho căn nhà, các đồ dùng cũng được đánh rửa sạch sẽ. Người Mông dán giấy vào các đồ dùng lao động để chúng được đón Tết cùng với con người. Theo quan niệm từ xưa để lại, ngày Tết đồ dùng lao động như: cuốc, xẻng, cày... cũng phải được nghỉ ngơi sau cả năm cùng với người làm việc vất vả.

 

Để cúng Tất niên, họ chọn con gà đẹp nhất mà chỉ có người chủ gia đình mới được mổ, chọn ba túm lông đầu dán lên tờ giấy màu trang trọng ở chính giữa nhà thể hiện tín ngưỡng tâm linh.

 

Giao thừa chủ nhà bắn ba phát súng kíp để xua đi tà ma năm cũ và cũng là để thử súng. Nếu súng nổ giòn tức là cả năm sẽ bớt đi cái xấu, cái không may mắn. Ngày Tết, mọi người đến nhà nhau chúc cho nhau thêm tuổi, thêm sức khoẻ, sống lâu, làm ăn không bị thất bát, lúa đầy trên gác, ngô treo đầy sàn.

 

Tiếp đến là những cuộc vui chơi. Mọi người không kể già trẻ, trai gái cùng kéo đến một bãi đất phẳng với những trò chơi truyền thống như ném pao, đánh quay, kéo co... Có người ở bản khác đến chơi vài ngày mới về. Khi ra về cũng là lúc cuộc vui đã tàn hay đã tìm được bạn tình mà mình bao năm kiếm tìm, chờ đợi. Đây cũng là dịp mà những đôi uyên ương thành vợ thành chồng. Họ đến với nhau từ những quả pao chao liệng, từ những điệu khèn réo rắt, từ những câu hát giao duyên...

 

 

Đánh quay được tất cả già trẻ trên bản đều thích chơi trong dịp Tết.

 

Khi những cuộc vui chơi ngày Tết kết thúc, mọi người còn tiếc nuối. Tuổi già vừa gặp lại bạn cũ, tuổi trẻ vừa mới kịp kết bạn, trao duyên họ đã phải chia tay, để lại lời hẹn mùa xuân tới.

 

___________________________________

GÕ SẠP - YÊN BÁI

Tục gõ sạp đón khách của người Thái (Yên Bái): Gõ sạp đón khách là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào Thái vùng phía tây tỉnh Yên Bái. Gõ sạp tạo bầu không khí sôi động, náo nhiệt khi trong bản, trong mỗi nhà tổ chức các cuộc vui có đông khách tham dự. 
Kiến trúc nhà sàn của đồng bào Thái mang một nét khá khác biệt với kiến trúc nhà sàn của một số dân tộc khác ở chỗ: khi đi lên hết cầu thang, nó không chỉ có cửa rẽ vào lòng nhà, mà nó còn có một lan can - nơi diễn ra cảnh gõ sạp đón khách tới chơi nhà - nằm dọc theo trái nhà dẫn thẳng xuống khu vực bếp. 
Số người tham gia gõ sạp từ 9 đến 12 người, là nữ trẻ, giỏi văn nghệ. Trong số đó, có một người điều khiển trống cái và số còn lại mỗi người cầm một đôi ống tre hoặc nứa cắt bỏ mấu ở hai đầu, đứng thành hàng sát mép ngoài lan can. 
Khi khách đã đến sân nhà, người điều khiển trống cái nổi một hồi trống thật dài. Sau đó đánh trống dặp để những người cầm ống làm động tác chuẩn bị. Đến khi tiếng trống dặp chuyển thành những tiếng tùng... cắc... cắc. Rồi lại đảo lại cắc... cắc... tùng... tùng liên tiếp, biến hóa thì những người cầm ống cũng trỗ ống xuống sàn nhà, đập hai ống vào nhau, sao cho âm thanh của ống xen kẽ vào âm thanh của trống. Tiếng trống, tiếng gõ sạp vừa nhanh vừa liên hoàn tạo cho khách đến chơi có một cảm giác rất hưng phấn và hòa đồng trong cuộc vui.

Khi khách đã quây quần quanh những mâm cỗ, tiếng gõ sạp sẽ dừng lại. Các cô gái chuyển sang việc tỏa đi các mâm rót rượu mời khách. Rồi sau đó họ tập trung ở một góc nhà hát khắp, hát ví đối đáp với khách. Cho đến khi cuộc rượu đã tàn và chuyển sang màn múa xòe thì những cô gái sẵn sàng lẫn trong vòng xòe cùng với khách. Khi khách bắt đầu ra về, các cô gái nhanh chóng cầm những chai rượu và những chiếc chén được chuẩn bị sẵn, tiếp tục đứng ra lan can rót rượu mời khách uống chén rượu chúc mừng và chia tay với khách. Du khách khi ra về sẽ cảm thấy mình đã có một cuộc vui thật thú vị trong sự mãn nguyện về tấm lòng nhiệt tình và hiếu khách của người dân nơi đây. (internet)

 

___________________________________

Síp xí - tết của người Thái đen Mường Lò, Yên Bái

Ai đã từng đến Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ), một vùng đất phì nhiêu, trù phú của vùng Tây Bắc, nơi có cánh đồng bằng phẳng, thẳng cánh cò bay rộng thứ hai khu vực Tây Bắc, nổi tiếng với "gạo trắng, nước trong”, với đặc sản chè tuyến Shan cổ thụ, với hương thơm nồng nàn của nếp Tan Tú Lệ. Nơi đây còn là mảnh đất quần cư của người Thái đen giàu bản sắc, đậm đà phong tục, tập quán.

16.jpg

Mường Lò - theo các nhà khoa học, đó là mảnh đất quần cư đầu tiên của người Thái đen khi vào Việt Nam. Đặc biệt hơn, nếu du khách đến Mường Lò vào dịp 13 - 14/7 âm lịch, hẳn sẽ vô cùng thích thú khi được tham dự vào lễ tết đặc biệt cổ truyền của người Thái đen, đó là tết Síp Xí cổ truyền.

Các cụ già nơi đây cũng không nhớ tết Síp Xí có tự bao giờ, chỉ biết rằng hàng năm bản Thái đều tổ chức Tết Síp Xí một cách trang trọng, đầm ấm, vui tươi. Là tết lớn nhất của người Thái đen Mường Lò nên ngày 10 -13/7 Âm lịch, các bà, các mẹ, các chị trong mỗi gia đình đều chuẩn bị lá chuối rừng, gạo nếp, thịt gà, lạc... để làm món bánh síp xí (pảnh síp xí), một loại bánh quan trọng nhất trong lễ tết này bánh síp xí của người Thái đen Mường Lò.

Bánh síp xí 2 loại: một loại là "Pảnh cuổi”, bánh làm bằng gạo nếp nghiền với chuối tiêu, gói bằng lá chuối xôi chín; loại thứ 2 là "Pảnh cáy”, bánh có nhân làm từ đỗ xanh và thịt gà băm nhỏ với lạc, cũng được gói bằng lá chuối đồ chín. "Pảnh síp xí” được gói 2 chiếc trên một tàu lá chuối sau đó xoắn giữa cặp đôi 2 chiếc vào với nhau, dùng một dây lạt buộc ở đầu. Trong ngày tết Síp Xí, bánh này ngoài dùng làm lễ vật cúng ma nhà (Co lo hoóng), còn được đồng bào dùng làm quà biếu bà con anh em trong dòng họ, biếu tặng khách quý và những người dân tộc khác.

Ngoài việc làm thật nhiều "Pảnh síp xí” để đón tết các thiếu nữ dân tộc Thái ra chợ lựa chọn mua hoặc tự đi lấy các loại lá cơm màu để về làm xô ngũ sắc dâng cúng tổ tiên, lễ vật không thể thiếu. Thịt vịt là món ăn chính trong Tết Síp Xí, theo quan niệm của người dân là tổng kết một vụ mùa, cầu xin cho con trâu được khỏe mạnh, cây lúa được tốt tươi, người người được hạnh phúc.

17.JPG

Thung lũng Mường Lò. Ảnh: Yên Bái

 

Do đó gia đình nào cũng mổ một vài con vịt trong dịp tết để "phá xúi” xua tan đi những điều đen đủi, không may mắn trong cuộc sống. Rượu, thịt, cá và các món ăn được đồng bào chuẩn bị khá chu đáo để thiết đãi bạn bè, khách khứa trong dịp tết này. Cùng với việc chuẩn bị lễ vật để cúng tổ tiên, thì nhà cửa, ngõ xóm, ruộng vườn cũng được đồng bào sửa sang trang hoàng cho thật sạch đẹp. Các cô gái tuổi cập kê cũng chuẩn bị lựa chọn cho mình những bộ áo váy cùng dây xà tích, khăn piêu đẹp nhất để diện trong dịp tết.

Được chứng kiến và tham dự vào tết Síp Xí của người Thái đen Mường Lò, chúng ta không chỉ cảm nhận các giá trị văn hóa hết sức đặc sắc qua văn hóa ẩm thực trong ngày tết của đồng bào mà còn hiểu được những giá trị nhân văn qua các nghi thức, nghi lễ, phong tục tập quán truyền thống. Bắt đầu bước vào tết Síp Xí là lễ cúng tổ tiên (co lo hoóng) của gia chủ. Chủ nhà cúng khấn mời tổ tiên, các ma nhà về dự tết chung vui cùng con cháu. Lễ cúng này được diễn ra ngay tại gian thờ "co lo hoóng”, bao gồm xôi ngũ sắc, bánh síp xí và một thủ lợn.

Nghi thức tiếp theo là lễ cúng ruộng "Tam tế ra”. Mâm cúng xôi và thịt gà đặt ngang đầu ruộng của gia đình. Thầy cúng ngồi trước thửa ruộng cầu xin ma bản, ma làng, tổ tiên thần thánh về phù hộ và chăm sóc cho cây lúa của gia đình không bị con sâu, con thú về phá hoại, cho lúa lên nhanh, hạt to, chắc, mẩy. Kết thúc lễ cúng, lễ vật sẽ được thả xuống ruộng như lời minh chứng về sự cầu xin thành khẩn của gia đình trong ngày tết.

Con trâu là con vật quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp của người Thái đen Mường Lò. Một năm cầy cấy vất vả trong dịp tết Síp Xí đồng bào dân tộc Thái nơi đây cũng cho trâu được "ăn tết” bằng nghi thức cúng vía cho trâu "Tám khuôn quai”, cầu xin tổ tiên thần thánh che chở, bảo vệ cho trâu được khỏe mạnh để giúp đỡ gia đình trong sản xuất nông nghiệp.

Trong ngày tết Síp Xí, các cháu chắt nội ngoại sống gần nhà, ông bà sẽ mang những cặp bánh síp xí mới nhất, ngon nhất cùng 1 bộ gan vịt (đó là phần mà đồng bào quan niệm là ngon nhất và quan trọng nhất) sang nhà ông bà chúc phúc mừng tuổi ông bà. Đáp lại tình cảm của các cháu, ông bà tặng mỗi cháu 2 cặp bánh síp xí cầu mong cho các cháu luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn.

Rất nhiều những món ăn đặc sắc của người Thái đen Mường Lò được người dân thể hiện trong tết Síp Xí cổ truyền này. Cùng với đó là những nét văn hóa trong sinh hoạt văn hóa ẩm thực hết sức đặc sắc mà đồng bào còn lưu giữ được như một "gia sản” văn hóa mà không phải bất cứ dân tộc nào cũng được sở hữu. Sau bữa cơm síp xí, theo phong tục truyền thống, các nam thanh nữ tú rủ nhau đi chơi hội hang Thẩm Lé, hội chơi núi hái nêm (quả sim), mọi người đều nô nức vui chơi trong niềm vui tươi phấn khởi.

Kết thúc tết Síp Xí cổ truyền là nghi thức cúng then và xòe then (xe then) tại nhà Mo Then trong bản. Mọi người từ khắp nơi đều tập trung tại đây. Các điệu xòe then như: xòe gậy, xòe khăn, xòe quạt, xòe hoa... được đồng bào thể hiện trong suốt đêm hội "xe Then” để múa mừng và mời các thần Then về dự tết và chung vui cùng trai làng gái bản. Cùng với đàn tính và chùm sắc nhạc rung lên liên hồi làm cho không khí của ngày hội càng rộn ràng như không có hồi kết.

Tết Síp Xí người Thái đen Mường Lò tích hợp nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa cổ truyền mà người dân nơi đây đã gìn giữ được từ đời này qua đời khác. Hãy thử một lần đến Mường Lò vào dịp tết Síp Xí (14/7 Âm lịch), chúng ta sẽ cảm nhận được những nét đặc sắc, độc đáo, những giá trị tinh hoa còn được lưu giữ đến tận ngày nay trong các bản làng của người Thái đen Mường Lò, Yên Bái. (Theo: queviet.pl)

Nguồn: saigontoserco

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 870 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==