Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào CN, ngày 22/12/2024, lúc 0:53 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Ninh Bình
0:12 AM
Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Ninh Bình

Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Ninh Bình

 

NEM CHUA YÊN MẠC - NINH BÌNH

"Yên Mạc đặc sản nem chua,
Tiệc tùng đình đám thường mua về dùng"

 

Nem chua Yên Mạc có từ lâu lắm rồi, nhưng hiện nay ở Yên Mạc số người làm được loại nem đặc biệt này không nhiều, bởi ngoài bí quyết nhà nghề đòi hỏi phải có niềm đam mê, yêu nghề. Quy trình chế biến phải tuân thủ nghiêm ngặt: nem làm ra bảo đảm phải sạch, thơm ngon, mầu sắc tươi, sợi thái phải đều, để hàng tuần vẫn dùng được và không bị biến chất.

 

Tương truyền: Vào thời nhà Nguyễn, ở làng Yên Mô Thượng (xã Yên Mạc), có cụ Phạm Thận Duật, giữ chức Thượng thư trong triều đình Huế. Con gái cụ là bà Phạm Thị Thư, theo cha vào kinh thành Huế. Biết cha thích uống rượu với món nem chua Huế, do đó bà đã học hỏi các đầu bếp nổi tiếng của cung đình để làm món nem chua cho cha nhắm rượu. Có khách đến nhà chơi nhà, cụ Phạm đều thết đãi món nem chua do chính tay con gái làm. Ai cũng cho là ngon, hơn cả nem chua trong mâm tiệc của triều đình ban cho. Khách ra về thường mua và được cụ Phạm biếu làm quà.

 

Về sau, bà Thư về quê, truyền nghề làm nem chua cho ông Phạm Xủy (chắt của cụ Phạm Thận Duật) ở Yên Mạc. Ông Xủy mở quán nem chua ở phố cầu Bút (xã Yên Mạc), tiếng đồn nem chua ngon lan khắp tỉnh và những vùng xung quanh như Nga Sơn (Thanh Hóa), Nghĩa Hưng (Nam Định).

 

Kỹ thuật làm nem chua rất cầu kỳ. Nhất thiết phải dùng thịt nạc mông của heo mới ngon. Ngon nhất là làm nem khi thịt heo vừa mổ, còn tươi nóng. Người ta dùng dao cắt thịt thành những miếng nhỏ dài khoảng 2 - 3cm. Thịt được dần kỹ và trộn vào với thính (gạo rang vàng giã nhuyễn). Sau đó, gói thịt vào lớp vải sạch, ép chặt cho bớt nước trong thịt. Như vậy, nem mới để được lâu. Da heo được luộc vừa phải, sau đó thái chỉ. Trộn tất cả thịt heo đã ép và bì vào thính, cộng thêm một ít muối, bột ngọt vào cho vừa ăn. Sau đó dùng lá ổi gói lại thành cuộn nhỏ, dùng lá chuối bao quanh bên ngoài. Tiếp theo lại dùng lạt buột chặt tay để nem được để lâu hơn. Nem chỉ cần để từ khoảng 3-4 ngày là ăn được.

 

Dù ăn ngay hay để lâu, khi gỡ nem ra vẫn rời, tơi cho lên đĩa gắp từng dúm nhỏ, lấy lá ổi tầu, lá sung, cùng rau thơm cuộn lại, chấm với nước mắm chanh, tỏi giã nhỏ thêm ớt hoặc hạt tiêu người ăn sẽ cảm nhận đủ vị ngọt, cay, thơm lan toả khắp cơ thể.

_________________________________________________

BÚN MỌC PHÁT DIỆM - NINH BÌNH

Về Phát Diệm - nơi có nhà thờ đá rất nổi tiếng, bạn nên tìm ăn món ngon nổi tiếng vùng này, đó là "Bún mọc Quang Thiện". Bún mọc Quang Thiện có từ thời quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ về đây khai hoang mở đất, cho đến nay vẫn là món ăn phổ biến và được ưa chuộng.
Bún mọc nước trong, ngọt vị xương hầm và nước thịt mọc, thơm ngon. Ăn bún mọc khi nóng vào mùa đông với rau ghém là xà lách, rau húng thơm, lá hẹ rất hợp lí. Những người bán hàng khéo tay xếp tô bún đẹp, chỉ cần nhìn thôi đã thấy đói và thèm ăn rồi! Những viên mọc tròn vo, điểm phụ gia như nấm, tiêu trông rất hấp dẫn.
Làm bún mọc cũng lắm công phu, chọn loại gạo tẻ ngon - gạo cũ chứ không phải gạo mới gặt về. Xay ngâm gạo thật nhuyễn, lấy khăn lọc để trên chiếc rổ, ép thật mạnh cho chảy hết nước chua, sau đó cho vào nồi luộc, bột dẻo rồi nhào. Tiếp theo là cho vào khuôn, "kéo" thành sợi, chảy vào nồi nước sôi, khi chín vớt ra cho vào nồi nước nguội, sau đó, phơi trên mặt sàng thành bún. Thịt làm mọc phải là thịt mông, loại hết gân, mỡ, cho vào máy xay, ướp với nước mắm, mì chính, hạt tiêu, rồi viên tròn từng viên, luộc chín.

 

Bún mọc hợp khẩu vị của nhiều du khách, cả Nam lẫn Bắc với giá cả phải chăng, chắc chắn sẽ là món ăn khó quên đối với nhiều thực khách.

______________________________________________

TÁI DÊ HOA LƯ NINH BÌNH

Vùng Hoa Lư có lợi thế nhiều núi đá vôi nên việc nuôi thả dê cũng có nhiều thuận lợi. Muốn có món tái dê "nức tiếng" phải nắm được kỹ thuật chế biến lông dê, thui vàng, đều, mổ lấy thịt, rửa nước trong, treo lên cho ráo. Để bớt mùi hoi có thể đem ủ vào lá hương nhu hoặc lá cúc tần đã vò giập mười lăm phút. Sau đó lọc lấy cả da và thịt đem nhúng vào nước sôi, khi chín tái thì vớt ra.
Hoặc đem bỏ chõ đồ tái là được, thịt thơm và không bị mất chất.
Sang khâu thái thịt làm tái cũng cần cả một nghệ thuật, tay nghề cao. Thái mỏng đều, thái ngang xớ. Không để miếng nọ giăng tơ với miếng kia. Xong xuôi, bỏ thịt thái vào chậu đã rửa sạch, lau khô từ trước. Rang vừng, giã đập dập. Cây sả bóc trắng, thái mỏng, lá chanh thái nhỏ. Gừng giã nhỏ, sao vàng, ít lát ớt tươi, nước chanh quả, bột ngọt, tất cả vừa đủ đổ vào chậu thịt thái sẵn, trộn đều. Khi đơm lên đĩa không quên rắc vừng đã rang lên trên, trông vừa đẹp mắt, lúc ăn lại bùi.Cái ngon của tái dê còn ở gia vị, gia giảm. Đó là các loại lá, quả ăn kèm theo. Nhưng "chủ công" là món tương gừng. Nhưng chính cách ăn đúng, hợp kiểu mới đưa tái dê lên địa vị xứng đáng. Lấy lá sung, lá mơ, bánh đa nem làm vỏ, bỏ thịt dê tái vào trong, quấn lại rồi chấm tương gừng. Bên cạnh tái dê, người Hoa Lư còn chế biến nhiều món khác như: Nem dê, dê hấp, nhựa mận, dê nướng, tiết canh dê, mật, cà đem ngâm rượu, nhưng món tái dê vẫn đứng nhất bảng. Tái dê vừa là món ăn ngon dùng bồi dưỡng cơ thể, vừa là món thuốc chữa một số bệnh rất hiệu nghiệm, bởi lẽ dê ăn nhiều loại lá, có chứa dược liệu rất quý

____________________________________________

RƯỢU LAI THÀNH NINH BÌNH

Rượu Lai Thành Lai Thành là một xã thuộc vùng cực Nam huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Nổi tiếng với loại rượu được chưng cất từ gạo nếp được trồng trên chính đất này. Hạt gạo tròn, thơm, bột gạo trắng như màu sữa, thoang thoảng một hương vị dễ chịu... Mỗi năm, người Lai Thành đều dành một phần quỹ đất để trồng thứ lúa nếp truyền thống đó. Gặt về, phơi khô, sàng sẩy thật kỹ, đưa vào chum bảo quản để nấu rượu dần. Để có rượu ngon, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ quy trình, kỹ thuật chưng cất đến chất men, nguồn nước.
Ở Lai Thành có vài tộc họ chuyên làm men rượu với những bí quyết riêng, nên men của họ dù có để hàng năm vẫnthơm và khô, không biến chất. Rượu Lai Thành càng để lâu càng "vào hơi", uống càng ngon, càng chắc. Khi nồi rượu đã vào đoạn chưng cất, dù ở cách xa đến vài trăm mét, vẫn không thể giấu nổi mùi thơm, cay lan nhẹ, bay xa, tạo cảm giác lâng lâng, man mác...Về với vùng đất mở có bát thịt cá vược nấu đông, đĩa gỏi cá nhệch, dăm con cua bể luộc, đĩa tôm sú, tôm rảo bóc vỏ làm sốt vang, bát bún mọc Quang Thiện và nhâm nhi với chén rượu Lai Thành, hẳn du khách sẽ khó mà quên được nơi xứ đạo đầy nắng và gió biển này.

________________________________________________

NHẤT HƯỞNG THIÊN KIM NINH BÌNH

Nhất hưởng Thiên Kim (Cơm cháy) Đến Ninh Bình, vào khách sạn hoặc các cửa hàng ăn uống, du khách đều có thể thưởng thức món cơm cháy. Cơm cháy được làm từ cơm đã nấu chín, dàn mỏng ra thành hình tròn, để cho nguội và khô, rồi bỏ vào chảo dầu rán cho đến khi giòn vàng lấy ra bẻ thành từng tảng nhỏ để vào bát to.
Thịt bò thăn thái lát, tim cật lợn thái mỏng, ướp gia vị cùng với cà chua, cà rốt, hành tây, nấm hương trộn đều, xào cho chín, rồi đổ vào bát cơm cháy. Cơm cháy kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn cơm cháy giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt, đậm đà, không bao giờ quên được.

__

_______________________________________________

MẮM TÉP GIA VIỄN NINH BÌNH

Mắm tép Gia Viễn là huyện đồng chiêm trũng, nên người dân Gia Viễn có nghề riu tép từ lâu. Người ta dùng tép riu để làm mắm, gọi là mắm tép. Tép riu phải là tép già, thân tròn, nhỏ con, màu xanh lam. Điều quan trọng nữa là tép phải tươi, đem rửa sạch, để khô.
Sau đó lấy thính gạo rang vàng, giã nhỏ, cùng với muối trộn đều với tép theo tỷ lệ, bỏ vào hũ, có thể đổ thêm ít nước đã đun sôi để nguội, rồi bịt kín, để từ một tháng trở lên mới đem nấu chín ăn. Bát mắm tép được múc ra màu đỏ tươi, có mùi thơm ngọt, rất hấp dẫn. Người ta có thể rang mắm tép với thịt ba chỉ. Ăn mắp tép Gia Viễn không cần cho thêm bột ngọt, vẫn có vị ngon ngọt, đậm đà. Ngày nay mắm tép Gia Viễn đã trở thành món ăn đặc sản của các bữa tiệc khi có thêm đĩa rau luộc ngon.

 

Nguồn: saigontoserco

 

Chủ đề: Ẩm Thực | Lượt xem: 955 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==