Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Tuyên Quang
GẠO THƠM VỊT BẦU - TUYÊN QUANG
Ở huyện Hàm Yên của Tuyên Quang có một thứ đặc sản mà
ai đến đây cũng khó chối từ, đó là các món ăn chế biến từ vịt bầu Minh
Hương. Vịt bầu, còn gọi là vịt suối có thể chế biến thành món luộc,
quay, hấp hoặc om với sấu thì ngon không cưỡng nổi. Cũng là những con
vịt có bộ lông màu xám, cũng gạo bao thai lùn nhưng sao miếng thịt lại
ngọt ngào, béo ngậy và hạt gạo lại dẻo thơm khác thường đến thế?
Người dân ở đây nói rằng, vịt Minh Hương ngon là do
được nuôi dưới suối. Con suối này dài hơn 10km, bắt nguồn từ đại ngàn
Cham Chu.
Dòng suối trong mát quanh năm, dọc theo hai bên bờ suối, gia đình nào
cũng nuôi vài chục con vịt bầu. Thức ăn cho vịt cũng đơn giản, ngoài
cám, thóc, chủ yếu là tôm, cua, ốc bắt được dưới suối. Vịt bầu cái lông
vằn, chân ngắn, con trưởng thành nặng 1,8 - 2kg. Vịt bầu đực đầu xanh
biếc, nặng 2 - 2,5kg/con. Gạo ở đây ngon, dẻo, có vị thơm riêng biệt
nhờ được tưới bằng nước suối Minh Hương trong vắt.
Những ngày du lịch Tuyên Quang, bạn nhớ ghé thăm động
Tiên và thưởng thức món vịt bầu Minh Hương cùng thứ gạo dẻo thơm đặc
biệt của vùng đất này.
_____________________________________________
CÁ "VÀNG" SÔNG LÔ TUYÊN QUANG
Cá
"vàng” trên sông Lô : Sẽ không quá lời khi chúng tôi gọi loài cá
chiên, cá bỗng ở đây là cá "vàng”, bởi cá chiên được bán với giá
380.000-400.000 đồng/kg, cá bỗng 150.000 đồng/kg. Bán được một con cá
chiên nặng 4-5kg là ngư dân cầm chắc khoản lãi 1 triệu đồng. Trước đây,
nhiều bà con làm nghề chài lưới trên sông Lô còn bắt được những con cá
chiên nặng 40-50kg. Tuy nhiên, loài cá này rất chậm lớn (1 năm đạt
trọng lượng 1-1,5kg), lại bị đánh bắt theo kiểu huỷ diệt (dùng kích
điện, mìn) nên càng ngày hiếm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Rất
may, nhờ sự sáng tạo của người dân, hai loài cá quý này đã được thả
nuôi trong lồng. Những loài cá này ưa nơi nước chảy nên dọc tuyến sông
Lô từ thị xã Tuyên Quang tới Na Hang, hiện có khoảng 400-500 lồng nuôi
cá bỗng, cá chiên. Theo ông Nguyễn Hữu Tân ở tổ 1, phường Tân Quang
(thị xã Tuyên Quang), mặc dù mua cá giống cực khó, nhiều gia đình phải
bỏ trống lồng hàng tháng trời nhưng nhà ông có tới 3 lồng cá, trong đó
có 200 con cá bỗng và 39 con cá chiên, thu nhập bình quân gần 100 triệu
đồng/năm. Thật may mắn khi trong chuyến đi này, lần đầu tiên chúng
tôi được thưởng thức món gỏi làm từ cá bỗng do chính tay ông Tân chế
biến. Theo ông Tân, cá bỗng để chế biến món gỏi phải là cá nuôi được
1,5-2 năm, trọng lượng đạt 2,5 - 3kg, thịt chắc. Khi mổ, để thịt cá
trắng mà không bị thâm, người ta thường cắt phần đuôi hay phần gáy của
cá cho chảy hết máu, sau đó rửa sạch để ráo nước. Thịt cá lọc ra ngâm
trong nước được chế từ quả tai chua. Đặc biệt, món gỏi cá bỗng được chế
biến theo cách của đồng bào địa phương rất ngon mà không cần tới thính
gạo. Phần xương cá băm nhỏ, rang vàng, tán mịn rồi trộn đều với lạc
rang giã rối, ăn cùng những lát cá thái mỏng kèm theo gia vị, rau thơm
và các loại lá rừng như sung, sấu, vón vén... Để có được một bát nước
chấm gỏi cá hấp dẫn, ngoài những gia vị quen thuộc như muối rang, hành
củ nướng chín, tỏi, ớt, tiêu, chanh thì hạt dổi hay hạt xẻn là một
trong những gia vị không thể thiếu khi thưởng thức món đặc sản này. Gắp
một lát cá bỗng trắng phau, lăn qua chút bột mịn vàng làm từ xương cá,
thêm vài hạt lạc rang đem gói cùng rau rừng, chấm với nước gia vị sanh
sánh có đủ vị chua, cay, ngọt, bùi, bạn sẽ cảm nhận được hương vị độc
đáo của gỏi cá bỗng cũng như tấm lòng thơm thảo của người dân nơi đây.
(Internet)
|