Món Ăn Đặc Thù Miền Bắc: Vĩnh Phúc
GỎI CÁ ĐẦM VẠC - VĨNH PHÚC
Gỏi là món ăn dân dã, phổ biến ở nhiều vùng miền
trong cả nước. Tuy vậy, mỗi nơi lại có một cách làm, cách thưởng thức
rất riêng. Ở xã Thanh Trù, miền quê ven đầm Vạc - Vĩnh Phúc cũng có món
gỏi cá ngon nổi tiếng mà bất kỳ gia đình nào cũng có thể làm được. 
Cá đầm Vạc có nhiều loại làm gỏi ngon nổi tiếng nhưng
ngon nhất là cá chép. Cá làm gỏi nên là cá đực, to vừa phải từ 1 -
1.2kg cho một mâm từ 4 - 6 người.
Muốn ăn bữa gỏi ngon rất dễ, chỉ cần chuẩn bị một số
loại gia vị gần gũi với nhà nông như: thính đậu tương (hoặc thính gạo
tẻ cũng được), các thứ lá cây: mơ, sung, ổi, đinh lăng (đều là lá bánh
tẻ), quả chuối tiêu xanh, gừng, ới, mắm tôm. mẻ, riềng củ, ...
Cá rửa sạch và bóc mang, vớt lên sàng tre để ráo
nước. Cá tươi được đánh hết vẩy rồi dùng giấy bản gói bao quanh cho khô
thịt cá. Khi chuẩn bị ăn mới đem ra thái miếng; mỗi miếng dài khoảng
4-5cm, độ dày vừa phải và bày vào đĩa. Đầu và xương của con cá thái gỏi
đem băm nhỏ nấu dấm (ở làng Vị Thanh gọi là nấu riêu) với mẻ lọc sạch
và riềng củ giã nhỏ bỏ xơ, nấu sền sệt đến chín kỹ. Người nấu cho mắm
muối vừa phải; người ăn nếu thấy nhạt thì chấm thêm vào bát nước chấm
đã để sẵn, cho vừa miệng.
Người Vị Thanh - Thanh Trù thường ăn gỏi vào buổi
chiều tối mát mẻ, có thời gian và đông đủ gia đình, bạn bè, người thân.
Tuỳ theo nhu cầu sở thích, có thề ăn cá gỏi với thứ này, thôi thứ
khác, uống rượu hoặc không uống rượu. Phổ biến hơn cả là ăn với lá
sung, lá mơ, đinh lăng, quả chuối tiêu xanh tước vỏ thái mỏng, gừng
thái mỏng...
Xếp mọi thứ lá gia vị, lá thơm ăn kèm vào trong bát,
dùng muôi múc riêu đổ lên, sau đó đặt miếng cá gỏi lên trên rồi cuốn
tròn thành miếng, chấm với mắm tôm chanh ớt là ngon nhất; ai không ăn
mắm tôm thì chấm nước mắm chanh ớt.
Hiện món ăn dân dã này được nhiều nhà hàng ở Vĩnh Phúc chế biến rất đa dạng để phục vụ thực khách gần xa về với quê hương.
_________________________________________
DỨA TAM DƯƠNG VĨNH PHÚC
Dứa
Tam Dương: Đặc sản Vĩnh Phúc: Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất
tỉnh. Trước ngày kháng chiến chống Pháp (1949), từ các xã Đại Đình, Tam
Quan qua các xã Đồng Tĩnh, Hoàng Hoa đến xã Hướng Đạo có nhiều trang
trại trồng dứa; bà con gọi là rừng dứa. Mối rừng dứa chiếm một quả đồi;
bao quanh là dây mây; bên trong trồng trám đen, trám trắng và cây dọc;
dưới bóng cây này là cây dứa, bạt ngàn dứa. Dứa Tam Dương hầu hết
là dứa ta: dứa mật, dứa mỡ gà, dứa hướng Đạo...Dứa mật nhiều nước và
rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt. vị chua. "Dứa Hướng Đạo” quả
nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà dốt dốt chua, ăn ngon nhất. Vào rừng dứa
mùa quả chín, trông rất vui mắt. Cây dứa xanh um, lá mọc dài, cạnh sắc
như lưỡi cưa đỡ lấy trái dứa vàng nơi chính giữa cứ như một bông hoa
xanh khổng lồ mà quả dứa là nhụy với túm tóc xanh xanh dựng đứng trên
đầu. Khách vào thăm, bao giờ chủ rừng cũng mời ăn. Có hai kiểu ăn: hoặc
gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ
nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; hoặc đập đập dứa vào gốc cây hay
thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng
dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống...Xin mời khách cứ ăn hay
uống như thế, ăn thoải mái, miễn phí, chán thì thôi; nhưng thực tình
cũng không ăn được nhiều vì quá ngọt. Món mứt dứa được chế biến như
sau: Trước hết, người ta không dùng dứa mật vì ít sơ, nấu dễ nát và
quắt lại; cũng không dùng dứa hoa vì quả nhỏ quá; mà thường dùng dứa mỡ
gà, ruột to vừa phải và nhiều xơ thấm được nhiều đường. Dứa chọn mua
về, gọt hết mắt, cắt từng khoanh dầy độ 1,5cm, thả vào ngâm nước phèn
chua. Cắt đủ mẻ nấu thì vớt dứa cho vào luộc chính tới, rồi đem ép nặng
cho chảy hết nước, chỉ còn lại xác dứa. Đổ đường vào chảo nấu, cứ 1kg
xác dứa thì 600g đường. Cho một ít nước lã vào đường, đun bằng than hoa,
cho đường sôi tan ra và tiếp tục đun đến khi đường thành châu thì đổ
xác dứa vào. Nước trong xác dứa sẽ làm đường loãng ra. Tiếp tục giữa
lửa than cháy vừa phải để nước được sôi lọp bọp cho đường thấm vào xác
dứa, đến khi đường thành châu trở lại là được mứt. Mứt này làm từ
mùa thu hoạch dứa để đến tết vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị. Miếng
mứt dứa ăn dai dai, càng nhai càng ngọt, lại dôn dốt chua, rất ngon; ăn
một lại muốn ăn hai
______________________________________________
ĐẬU RÙA TUÂN CHÍNH VĨNH PHÚC
Đặc
sản đậu Rùa Tuân Chính — Vĩnh Phúc: Không ai biết nghề làm đậu phụ
làng Rùa xã Tuân Chính có tự bao giờ. Hỏi cụ cao tuổi nào, cụ cũng bảo
từ khi còn bé cụ đã được ăn đậu Rùa, cụ còn nói thêm: xưa cụ đã hỏi ông
của cụ thì cũng đã được trả lời là "Từ khi ông bé bằng cháu, ông cũng
đã được ăn đậu Rùa”, nghĩa là lâu lắm lắm rồi. Xã Tuân Chính hiện
nay có nhiều hộ gia đình làm đậu phụ vẫn giữ được kỹ thuật truyền thống
xưa. Nguyên vật liệu làm đậu phụ khá đơn giản, chỉ cần đỗ tương, cối
đá xay và nước chua. Cái làm nên đầu ngon là cái tâm cộng với đôi bàn
tay khéo léo của người làm nghề. Đỗ tương để làm đậu Rùa là loại đỗ
hạt to, đều, tròn, bóng. Ngâm đỗ trong nước chừng 5-6 giờ rồi đem đãi
sạch, cho vào cối xay (ngày nay có thể dùng máy nghiền), dòng sữa ngà,
dài như sợi mây, chảy tưởng không bao giờ dứt. Xay xong, đổ nước đậu
vào một cái túi vải, lọc kỹ hai ba lần. Đỗ nước đậu đã lọc vào nồi, bắc
lên bếp đun sôi chừng nửa giờ. Có thể để nguyên nước đậu trong nồi và
tắt lửa hoặc múc dần ra chậu, hoà lẫn nước chua (còn gọi là nước giống)
vào khuấy đều liên tục cho đến khi thấy nổi đều cái lên là được. Nước
chua được làm từ chính nước đậu đã múc hết cái, để một hai ngày cho
chua, còn pha nhiều hay ít nước chua thì tuỳ kinh nghiệm cũng như bí
quyết của người làm. Cái đậu nổi đều múc ra đổ vào khuôn gỗ đã rải bên
trong một miếng vải mỏng, đầy khuôn, gói vải lại, dùng vật nặng ép đều
bề mặt khuôn rồi đem cắt. Người làng Rùa thường làm hai loại đậu:
đậu trắng và đậu nướng than, mỗi loại đều có hương vị riêng. Đậu trắng,
miếng đậu mịn không bở, ăn có vị mát. Đậu nướng dai dai, giòn giòn,
thoảng vị ngọt vị bùi của đỗ tương rang. Những miếng đậu chỉ to hơn bao
thuốc lá một chút, được nướng qua, mình uốn cong cong màu vàng đậm,
trông thích mắt. Đây là nét rất riêng của đậu Rùa. Nó không dày như cục
gạch và cũng không trắng như như các loại đậu khác. Chỉ cần sắt miếng
vuông quân cờ, rim nước mắm, ăn đã trôi cơm lắm. Nếu được chấm mắm tôm
đồng làm lấy từ tôm riu thì tuyệt vời. Mắm tôm rót ra bát có sắc mầu đỏ
au, tay phải lắc lọ mới chảy ra được, vắt nửa quả chanh tươi, đánh
bông lên. Chạm miếng đậu Rùa vào bát mắm tôm thơm lừng uý, nước bọt đã
tứa ra ăn chẳng biết lúc nào là no cả
______________________________________________
CHÁO SE VĨNH PHÚC

Cháo se, bánh hòn Hương Canh — Vĩnh Phúc Cháo se, bánh hòn có lẽ
chỉ có ở Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Chọn loại gạo ngon, vo nước thật
sạch rồi xay bột và lọc ngay, không ngâm nước lâu hoặc pha thêm hàn
the. Bột được chia làm 2 phần: một phần đem thổi xôi chín, một phần để
sống, nhào với nhau rồi cho vào cối đá lèn cật lực, đến lúc không dính
tay mới đem se cháo hoặc nặn bánh. Nước nhào bột là nước hứng giữa
trời, đựng trong chum lưu niên, có nắp đạy, trong vắt. Bột se nấu cháo
không nhọn hai đầu mà phải tròn đều, dài như sợi bún. Nấu Cháo se phải
chọn loại thịt sao cho khi ăn phải vừa ngọt, vừa béo và không ngấy.
Nhân bánh hòn chủ yếu là hành băm nhỏ với mỡ, thêm
chút mộc nhĩ. Hành phải kén hành hoa, thứ nhỏ dảnh. Mỡ không phải là mỡ
phần béo ngậy mà là mỡ cơm sôi, có lẫn thịt mới ngon. Thông thường khi
ăn thì chiếc bánh cắn đôi, nhúng vào bát cháo cho nước cháo ngấm vào
mảnh bánh, ăn mới ngon. Nếu thích chấm thì pha nước chấm cũng phải là:
Có mắm mà không được mặn, có dấm mà không được gắt, có đường mà không
được lợ, có tỏi mà không được hôi, nhiều ớt mà không được cay. Ăn thứ
bánh có bột nhuyễn mà không nhão, dẻo mà lại dai, không cứng, không thô
ráp, ăn với thứ nước chấm này, người thưởng thức nhớ đời .
Nguồn: saigontoserco
|