Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 19/04/2024, lúc 8:17 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Món Ăn Đặc Thù Miền Trung: Đà Nẵng
10:06 PM
Món Ăn Đặc Thù Miền Trung: Đà Nẵng

Món Ăn Đặc Thù Miền Trung: Đà Nẵng

 

MÍT TRỘN - ĐÀ NẴNG

Đà Nẵng lâu nay nổi tiếng là vùng đất có nhiều thắng cảnh đẹp và hũng vĩ. Con người Đà Nẵng dễ mến, cảnh vật Đà Nẵng thơ mộng và đặc biệt, ẩm thực Đà Nẵng vô cùng phong phú. Bất kỳ ai đã một lần đặt chân đến đó, đều không thể quên được những phong vị đậm đà của những món ăn xứ Quảng. Và bên cạnh những món cao lương mĩ vị, còn có món rất dân dã: mít trộn, dùng bánh tráng xúc ăn.

Về những chợ quê ở Đà Nẵng, bạn sẽ gặp nhiều người mua chất hàng gánh mít non bên lề đường. Hoặc bạn có thể mua mít non ở chợ Túy Loan, hay các chợ trong thành phố cũng rất sẵn.

Với người Đà Nẵng, khi khách đến chơi nhà, không cần phải tiếp món ăn sang trọng, ra vườn hái trái mít non vừa tầm, chọn trái đều đặn, không sâu, chọn khéo để được quả có ít xơ, ngọt và bùi.

Sau khi cắt bỏ phần có cuống khoảng 5 phân, dùng một cây nhọn (nhỏ hơn cán liềm) một đầu đóng vào phần lõi vừa cắt của trái mít, nhằm dễ gọt vỏ. Một tay nắm cọc đã đóng, tay kia gọt vỏ. Sau đó cắt dọc từng miếng nhỏ dày cỡ 3cm, rửa sạch mủ, lạng bỏ cùi mít và bỏ vào nồi nước sôi, vớt ra để ráo, trộn sơ với vài cọng rau thơm như rau húng, rau quế... chấm mắm tôm, mắm nêm... tỏi, ớt.

 

Ở nhà quê, có thể lấy một lon tép khô, rửa sạch, để ráo. Khử dầu phụng bỏ vào vài tép tỏi đập dập, khi dầu đã bốc mùi thơm, bỏ tép vào khuấy đều, nêm nước mắm, gia vị... sau đó đổ mít trộn đã xắt nhỏ vào xoong đảo nhiều lần cho đều; rải đậu phụng rang, giã dập, rau thơm lên. Dùng bánh tráng nướng vàng ươm xúc, nhai thơm rôm rốp, đậm hương vị nhà quê.

 

Ngoài ra, ở xứ biển, người ta còn bán hoặc chế biến món mít trộn với sứa, món dân dã nhưng hấp dẫn khó có gì sánh bằng. Những người xa quê thường nhớ món mít non trộn sứa mà thèm lại hồi hương...

_______________________________________________

MÌ QUẢNG - ĐÀ NẴNG

"Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô mì Quảng anh xơi cho cùng"

Mì Quảng một trong số những món ăn không thể thiếu trong làng ẩm thực của Đà Nẳng. Cũng như cơm Hến ở Huế, Phở ở Hà Nội, hay bún bò ở Quãng Nam, mì Quảng cũng là một món ăn đặc sắc, mang tính truyền thống của xứ Đà Nẵng này.

Cối xay bột, lò tráng bánh là công cụ thiết yếu nhất để làm mì.

Chỉ cần ít gạo ngon đem ngâm, xay thật mịn rồi tráng là có những lá mì mềm mướt, trắng nõn, trông rất... đã con mắt ! Rau thì có sẵn ở mảnh vườn: nào rau muống, búp chuối, các loại rau thơm xanh mướt ở đầu vườn hay bờ ao cá. Nước "nhưng" có thể là gà, cua, tôm, cá... nuôi hoặc đánh bắt ở đồng ruộng sông ngòi uốn mình khắp làng quê. Và, thế là, bằng những thứ có sẵn quanh mình, người dân đất Quảng đã chế biến ra những tô mì thơm ngon, mang hương vị đậm đà nơi thôn dã. Vì thế, gọi mì Quảng là món ăn bình dân, mộc mạc cũng không ngoa chút nào.

Mì Quảng có "tuyệt" hay không là nhờ tài nấu nướng của gia chủ. Đầu tiên, gạo dùng xay bột phải là thứ gạo ngon. Chọn được gạo rồi, người ta đem ngâm để gạo mềm, xay sẽ nhẹ tay hơn. Nhớ là khi xay, xay thật kỹ, thật mịn. Trước khi xắt, người ta xoa một lớp dầu phụng đã khử chín để mì khỏi dính. Còn nước "nhưng", nếu là gà, lúc mổ xong, lóc thịt nạc, ướp kỹ rồi đem xào. Xương và những thứ khác chặt, bỏ vào nồi nấu cho ngọt nước. Khi nước sôi, chín, đổ thịt nạc đã xào kỹ vào nồi. Dĩ nhiên, nước "nhưng" có thơm, ngon hay không tùy thuộc ở gia vị và kinh nghiệm của gia chủ.

 

Rau sống không thể thiếu vắng trong tô mì. Nó đóng vai trò rất quan trọng. Rau thường là rau muống hoặc cải xắt nhỏ, trộn với búp chuối non, rau thơm, rau quế, rau răm... Đặc biệt, nếu có loại rau sống Trà Quế nổi tiếng của đất Quảng thì hương vị tô mì càng tăng thêm phần đậm đà, hấp dẫn bội phần.

 

Muốn làm tô mì, trước hết, cho một lớp rau sống vào tô rồi phủ một lớp mì xắt sẵn lên trên, sao cho sợi mì vừa xoắn xuýt nhau vừa đều đặn. Nước nhưng chan thế nào để nước thấm vào từng sợi mì, lẫn vào lớp rau sống, bên trên chỉ còn lớp xác màu mỡ, chiếm một khoảnh tròn đỏ lượt giữa màu vàng mịn của sợi mì. Nên nhớ, chan nước nhưng mì người ta chỉ chan thiêm thiếp thôi, nhiều nước như phở hay bún bò là không đúng cách. Cuối cùng, rắc một nhúm đậu phụng rang giòn giã vừa nhỏ lên trên, gia thêm tí dầu khử chín và cho vào một ít hành tươi xắt vụn, chanh, ớt... là những phần phụ làm tăng độ béo, chua, cay... đồng thời, có tác dụng điểm thêm màu mè, khiến tô mì chưa ăn mà đã thấy ngon và hấp dẫn.

 

Ăn mì thiếu bánh tráng nướng giòn hình như giảm đi ý vị tô mì. Có người cứ để nguyên rồi cắn một miếng "và" một đũa. Có người bóp nhỏ ra, trộn đều, dùng đũa xáo lên, thêm tí ớt kha khá vào, vừa ăn vừa hít hà mới khoái khẩu.

_______________________________________________

ỐC BƯƠU BÀU NGHÈ - ĐÀ NẴNG

Nước mắm Nam Ô, cá rô Bàu Nghè, chè Phú Thượng. Cá rô Bàu Nghè thì miễn bàn, nó đã được dân gian xếp hạng là một trong 3 đặc sản của vùng đất Tây Bắc thành phố Đà Nẵng. Ốc bươu Bàu Nghè, với dáng vẻ ngoại khổ và hương vị độc đáo, từ lâu xuất hiện trên thị trường ẩm thực như một 'gương mặt' sáng giá trong danh sách đề cử vào 'Top' các món ăn đặc sản của thành phố bên sông Hàn.

 

Không như 'đàn anh' cá rô quẫy một cái là vào ngay... dân ca, ốc bươu Bàu Nghè tuy quanh quẩn các bàu sen, ruộng lúa nhưng cũng đủ để lại ít nhiều ấn tượng trong giới sành ăn. Bàu Nghè giờ đây cạn thì cấy lúa, sâu thì thả sen hoặc làm ao cá. Sáng sáng, vào khoảng 3-4 giờ, thời điểm ốc trồi lên đi ăn sương, người dân quanh xóm bàu ơi ới gọi nhau chèo ghe 'đi săn' ốc bươu. Dưới ánh đèn pha trên trán như đèn thợ mỏ, ốc lổn ngổn có khi từng cụm đến dăm ba con, cứ dùng vợt mà vớt. Sáng ra, nếu lẫn lộn có các chú ốc bươu vàng thì mang về cho vịt, còn ốc đen thì bán cho các nhà hàng, quán nhậu. Tháng 10-11 là mùa ốc sinh sản, ăn ốc trong thời gian này đã không ngon lại có cảm giác lộm cộm như có sạn vì ốc con. Giêng, hai là mùa ốc ngon nhất trong năm.

 

Ốc bươu trông dân dã là thế, nhưng chế biến thành món ăn thì tuyệt hết chỗ chê. Phổ biến nhất là món ốc bươu um. Ốc, sau khi ngâm qua nước vo gạo một đêm để sạch các chất nhờn và giảm bớt mùi đồng ruộng, được chùi rêu mốc bám trên mình, rửa sạch lần cuối cùng trước khi chặt đít, đưa vào luộc nhẹ trong ít phút rồi đổ ra cho ráo nước. Trộn đều ốc đã luộc với các loại gia vị như ớt, sả, tiêu, dầu... rồi um nhẹ cho gia vị thấm vào thịt ốc. Bí quyết của món ốc um nằm ở chỗ, nếu luộc hoặc um lâu quá, thịt ốc sẽ co vào sâu trong vỏ, rất khó khăn khi thưởng thức ; nhưng nhanh quá, gia vị không kịp thấm vào sẽ làm giảm vị ngon. Vì thế, người 'cao tay' thường bỏ qua giai đoạn luộc ốc. Cầu kỳ hơn, làm sạch ốc xong, người ta đổ sữa bò vào cho ốc ăn trước khi chế biến. Như thế, lúc khươi ốc ra, những đường xoắn ốc màu trắng sữa nổi bật trên nền đen sẫm, tạo nên một cảm giác rất ngon miệng.

 

Người dân miền Trung, trong bữa cơm thường nấu món canh ốc, hoặc xào ốc với sả, ớt, nghệ. Có khi um ốc với chuối chát, chuối lùn sống, thêm chút nghệ tươi cho có màu và mùi thơm. Các món ốc um, ốc hấp được dùng kèm với chuối chát, khế, rau thơm... không có khế, ăn với dưa chua. Theo đông y, ốc bươu tính hàn, phải ăn kèm với lá chanh, gừng, sả, ớt... là những thực vật tính nhiệt để vừa trung hòa cho hợp với tỳ vị, vừa khử mùi. Để thưởng thức món ốc bươu, sành điệu phải là rượu gạo thứ thiệt. Một đằng hoàn toàn sản sinh từ môi trường thiên nhiên, một đằng do bàn tay con người tỉ mẩn làm nên, cả hai cùng hòa quyện thành một thú ăn uống đời thường mà các nhà văn hóa đã gọi một cách văn vẻ là nghệ thuật ẩm thực.

_______________________________________________

Tré

 

Dân xứ Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng có một món ăn rất riêng, được coi là món ăn nhà nghèo nhưng rất được mọi người ưa thích, đó là tré. Ở Đà Nẵng, tré là một thứ dùng để "lai rai", là món đưa cay đặc sắc mà nếu ai đó đã từng được thưởng thức cùng những người bạn trên xứ Quảng, hẳn sẽ khó lòng quên.

 

Được làm từ thứ thịt rẻ tiền của con heo như: tai, mũi, da (bì), thịt ba chỉ nên người ta gọi tré là món ăn của dân nghèo. Tuy vậy, tré vẫn là một món ngon, đặc sắc của biết bao thế hệ người dân xứ này. Mà không chỉ có thế, tré đã theo chân những người lại qua mảnh đất miền Trung này để trở thành món ăn nổi tiếng khắp nơi trên cả nước.

 

Tré Đà Nẵng, nếu nhìn qua bạn sẽ thấy giống món nem chạo ở một số nơi. Thành phần chính của tré là thịt tai, mũi và thêm chút da (bì). Những năm gần đây, người làm tré có làm thêm với thịt ba chỉ. Tất cả thính trong riềng và tỏi, ủ khoảng 2 đến 3 ngày cho lên men. Tré ủ chín có mùi thơm hấp dẫn của thịt, riềng tỏi lên men. Món tré ngon phải được gói bằng lá chuối có lót lá ổi, những loại lá này làm tăng độ thơm ngon và dậy mùi của món ăn, đồng thời lại rất hợp vị.

 

Thức chấm hợp với tré là tương ớt Đà Nẵng - một sản phẩm của người Hoa ở Hội An từ thế kỷ thứ 17. Người ta làm tương ớt bằng cách xốt ớt luộc băm nhỏ với nhiều thứ gia vị khác nhau, tạo thành một hỗn hợp cay cay, ngọt ngọt, thơm cay ngây ngất.

 

Có dịp về Đà Nẵng hay Quảng Nam, mời bạn thưởng thức món tré nổi tiếng này để cảm nhận thêm một hương vị mới trong nền ẩm thực phong phú của Việt Nam. Địa chỉ cho bạn là: Nem tré bà Bình, Nem tré bà Đệ, Nem tré bà Cúc trên đường Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng.

 

Nguồn: Saigontoserco

Chủ đề: Ẩm Thực | Lượt xem: 767 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==