Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 2, ngày 30/12/2024, lúc 10:49 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Món Ăn Đặc Thù Miền Trung: Quảng Nam
10:09 PM
Món Ăn Đặc Thù Miền Trung: Quảng Nam

Món Ăn Đặc Thù Miền Trung: Quảng Nam

MÌ QUÀNG - QUẢNG NAM

Mì Quảng, từ lâu đã được biết đến như cái "hồn" nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam. Bây giờ, ngoài Quảng Nam ra, nhiều nơi cũng có quán ăn mì Quảng. Mì Quảng theo chân những người Quảng Nam tha hương và cùng họ có mặt khắp nơi như người bạn đồng hành tri kỷ. Mì Quảng thường có mặt trong những bữa tiệc "vọng cố hương" của người Quảng Nam xa xứ.

Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, Mì Quảng là món ăn bình dân, mộc mạc, vì thế cách chế biến cũng khá đơn giản.

Gạo ngon sau khi đem ngâm, xay thật mịn rồi tráng để có những lá mì mềm mướt, trắng nõn. Sau khi tráng một lớp dầu phộng đã khử chín lên lá mì, gấp lại rồi xắt thành từng cọng như cọng phở. Vậy là xong bước chuẩn bị mì.

 

Rau ăn mì khá phong phú, thường là rau muống, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, các loại rau thơm... Nước nhưng (nước lèo) thì tùy gia chủ giàu hay nghèo, giàu thì làm tôm thịt, gà, cua, cá... nghèo thì vài con cá nục cũng có thể nấu được tô nước nhưng thơm ngon.

 

Và có cả mì chay dành cho người hành đạo. Nhưng là nhân gì đi nữa thì mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm. Rau để ăn mì Quảng thường là rau muống chẻ nhỏ hoặc cây cải con trộn với búp chuối non thái mỏng, rau thơm, rau quế...

 

Đến Quảng Nam, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn mì Quảng nằm dọc trên tuyến đường quốc lộ 1A luôn đông đúc khách sành ăn: quán mì gà Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), quán mì gà Kỳ Lý (thị xã Tam Kỳ), quán mì tôm cua Cây Trâm (huyện Núi Thành), quán mì bò Cẩm Hà (thị xã Hội An)...

 

_______________________________________________

ỐC HÚT - QUẢNG NAM

Ốc có nhiều nhưng dân làng nhậu chỉ khoái hai loại: ốc bươu và ốc đá. Có thể ví von rằng ốc bươu là món "quý tộc", ốc đá mới là món "đại trà". Bởi ốc bươu lớn con hơn nên ít số lượng (mỗi đĩa chỉ mươi con) song giá lại đắt vì chế biến cầu kỳ, trong khi ốc đá cỡ đầu ngón út, giá rẻ, được tính bằng lon. Đã thế, món ốc bươu đòi hỏi phải có thời gian ngâm qua đêm với nước vo gạo để con mồi nhả hết chất nhờn rồi mới đem chặt đít, um dầu với nhiều gia vị. Ngược lại, ốc đá chỉ cần bấm đít (bằng kìm) là có thể bỏ vào nối nấu chín, trước khi ăn, chủ quán mới rưới thêm dầu mỡ đã qua pha chế với đủ thứ ớt, tỏi, mắm, hành... Ngoài đời thường ví von "dễ như hút ốc", nhưng đừng tưởng bở. Nhón tay bốc một con đưa lên miệng (món ăn này, đặc biệt phải dùng tay nên quán nào cũng có thau nước, xà phòng cùng khăn lau sẵn để khách "tẩy trần" trước khi vào cuộc), người sành điệu chưa vội hút ngay mà phải thổi nhẹ phía sau vỏ ốc để thịt rời khỏi vỏ rồi mới kê miệng hút một hơi dài. Có thể hiểu được cảm giác của thực khách khi tận hưởng chất béo ngọt, cay xè thấm vào đót họng, tan dần, với mùi vị dầu mỡ thơm lừng. Cứ mỗi cú hút, khách nhậu thường kèm cọng rau húng, lát chuối chát, khế chua, nhai bánh tráng rôm rốp và khà một hơi rượu gạo cay nồng.

 

Có nghịch lý không khi ăn ốc ai nấy nước mắt, nước mũi chảy ròng bởi mùi xay xé họng (một yếu tố gây nhiều khoái khẩu) vậy mà lắm kẻ vẫn ghiền, nhất là các cô gái mới lớn hay nữ sinh tan học buổi chiều thường xúm xít? Vì thế mới có một chuyện vui xảy ra nơi quán ốc: một vị khách sang trọng gốc Nam Bộ lái xe ngang qua, thấy người xe lố nhố bèn ghé thử. Khi gọi xong món, quán dọn ra dĩa ốc và chai rượu gạo. Thậm chí phải hỏi "cách ăn", nhưng dùng xong vị khách này gật gù: "Ngộ quá ta, xài được!".

 

Những người thường xuyên xài món ốc hút thì vẫn khó lòng dứt bỏ, bởi ngoài sức hấp dẫn của món ăn ngon còn có yếu tố... giá rẻ. Và dù vẫn có chút băn khoăn về khoản xử lý vỏ ốc của đa số hàng quán ven sông, nhưng xem ra món ốc hút đã quá quen thuộc. Đến độ nhiều người ghiền ốc hút đã không ngần ngại khi khoe với khách phương xa rằng, món đặc sản quê hương thu hút số đông người ở đây ngoài tô mì Quảng thì có thể kể đến... ốc hút. Trên thực tế, chẳng riêng gì Quảng Nam mà rất nhiều nơi đang "lên hương" món ốc hút, đặc biệt là Huế với khẩu vị cay ngọt đặc biệt. Nhưng với người Quảng, ốc xứ Quảng, xem ra những buổi chiều ngồi bên quán ốc hút để "đưa cay" bằng những con ốc be bé từ lâu đã là một thói quen khó lòng dứt bỏ...

_______________________________________________

BÁNH ÍT LÁ GAI - QUẢNG NAM

Cũng giống như nhiều miền quê trên mọi miền đất nước, bánh ít lá gai từ lâu đã đi vào trong đời sống ẩm thực của người dân đất Quảng, là lễ vật đầy ý nghĩa trong những ngày Tết cổ truyền, dịp cúng tổ tiên, ma chay, cưới hỏi ...

Bánh ít lá gai có vỏ bọc làm bằng bột nếp trộn đường và nước lá gai để có màu đen bóng. Nhưn (nhân) bánh bằng đậu xanh, có màu vàng. Bánh ít lá gai được bọc bằng lá chuối vẫn giữ màu xanh ngắt. Nhìn bên ngoài, bánh gói có chóp nhọn là bánh ít lá gai. Để giữ cho vỏ bánh có màu xanh bắt mắt, khi hấp bánh phải cẩn thận. Không quá già lửa, cũng không được non lửa, canh giờ để vớt bánh ra.

Tuy cùng nguyên liệu, nhưng mỗi loại bánh có một hương vị đặc trưng riêng. Bánh ít lá gai có vị ngọt của đường, vị bùi béo của bột nếp, hòa với vị đăng đắng của lá gai.

Cách chế biến bánh không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự kỹ lưỡng ở từng công đoạn chọn nguyên liệu: gạo nếp, đậu xanh, mật đường, lá cây gai, lá chuối. Bánh ít lá gai Quảng Nam có hình dáng mộc mạc, chân chất như những sản vật miền thôn dã nhưng vẫn hàm chứa cái hương vị rất riêng của vùng đất giàu lòng mến khách.

Bánh ít lá gai được bày bán nhiều nhất ở Hội An, ngay trên những khu phố, chợ và trong các nhà hàng, quán ăn.

_______________________________________________

BÁNH BAO BÁNH VẠT - QUẢNG NAM

Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đoá hoa hồng nên bánh bao, bánh vạc còn có tên gọi là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.

 

Bánh bao, bánh vạc là hai loại có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt và có thơm hương, vị ngọt của thịt tôm..

 

Nguyên liệu chính để chế biến bánh bao bánh vạc là gạo nhưng được thực hiện qua nhiều công đoạn rất công phu. Gạo xay xong phải "bòng" với nước nhiều lần (khoảng từ 15 đến 20 lần) để chọn cho được loại bột bánh ngon. Nhân bánh bao chủ yếu chế biến từ tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và một vài loại gia vị khác. Nhân bánh vạc thì có thêm một số nguyên liệu như: nấm mèo, giá hột, lá hành, thịt heo ... đã được thái mỏng và xào chín. Cả hai loại nhân đều được bao bọc bởi một lớp bột bánh mỏng và hấp chín qua lửa.

 

Pha nước chấm hơi đặc với nguyên liệu chủ yếu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt lát mỏng, nêm nếm cho hợp khẩu vị. Gắp bánh bày lên đĩa, kèm vài lát chanh bên cạnh chén hành củ, tóp mỡ phi vàng. Khi ăn cho bánh vào chén, rắc hành phi mỡ với nước chấm, tí chanh và nâng chén. Nhai từ từ sẽ tận hưởng cái vị ngòn ngọt, dai dai, béo béo, cay cay, mà ngon đáo để.

Hiện nay, tại Hội An chỉ còn có một gia đình trên đường Nhị Trưng sản xuất loại bánh này để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ thực khách

Nguồn: Saigontoserco

Chủ đề: Ẩm Thực | Lượt xem: 801 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==