9:58 PM Phú Yên: Truyền Thuyết Đất Tuy An | |
Đầm Ô Loan Đầm Ô Loan thuộc địa phận huyện Tuy An, có diện tích toàn mặt nước là 1.570ha, cách thành phố Tuy Hoà về phía bắc 20 km. Phía bắc đầm giáp xã An Ninh Đông ở hai thôn Tân Long và Phú Sơn, phía nam giáp xã An Hoà ở thôn Diên Hội và xã An Hải ở tại các thôn Đồng Môn, Tân Qui, Xuân Hoà, phía tây giáp xã An Hiệp tại thôn Mỹ Phú và Phú Tân. Như vậy, đầm Ô Loan bao bọc chung quanh bởi 5 xã và 10 thôn làng. Nước trong đầm thuộc loại nước lợ (nước xà hai) do đầm ăn thông ra biển bằng cửa Lễ Thịnh, đưa nước mặn vào đầm mỗi khi thuỷ triều lên; đầm cũng nhận nước ngọt từ sông Cái và các con suối nhỏ chung quanh đổ vào. Do thế đất đồi là đất sỏi nhớt nên mùa mưa làm xói lở, kéo theo lượng phù sa khá lớn bồi lắng lòng đầm. Do vậy, lòng đầm chỗ sâu nhất khoảng 6 mét, chỗ cạn, thường là ven bờ, khoảng trên 1 mét. Riêng phía trên cửa Lễ Thịnh thuộc địa phận An Hải mực nước sâu tới 10 mét.
Tuy vậy, khi đứng trên đỉnh đèo Quán Cau, du khách phóng tầm nhìn bao quát khắp cả vùng thì đầm Ô Loan như một mặt hồ rộng yên ả được bao bọc bởi những dãy đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt…Nhìn từ phía nam, đầm Ô Loan giống như chim phượng hoàng đang xoải cánh, còn trên bản đồ Ô Loan giống con thiên nga đang thong thả bay trên bầu trời cao xanh thăm thẳm. Cũng từ đỉnh đèo Quán Cau nhìn xuống, khi tầm mắt chạm vào núi Từ Bi có một doi đất chảy ra đầm Ô Loan, thì lại thấy đầm trông giống như con chim hạc vừa giang đôi cánh rộng vừa vục đầu xuống đầm uống nước. Núi Từ Bi là một nhánh nhỏ của đèo Quán Cau, có con suối cùng tên Từ Bi, bắt nguồn từ hòn Chồng. Suối chảy ngoằn ngoèo qua các khe núi rồi đổ ra đầm, tạo nên cảnh quan thơ mộng. Từ mạn Tây Bắc chạy ra tới An Ninh Đông là bãi cát vàng óng, có rừng phi lao chạy dài theo men bờ nước, xưa kia là nơi trú ẩn của các loài chim thú như le le, chàng bè, bồ nông, cò, diệc và nhiều nhất là vịt nước. Chúng sinh sống thành từng đàn, bắt cá dưới lòng đầm. Lại nói về đầm Ô Loan, khi đứng ngắm mặt đầm buổi bình minh, du khách dễ có những tưởng tượng, rằng các dãy đồi phía Đông-Nam như hình dáng con chim khổng lồ đang chuẩn bị cất cánh bay lên trời cao lộng gió và nắng. Nhưng khi hoàng hôn buông xuống, lại thấy cánh chim xoải rộng như đang xoè đậu bên cạnh mặt hồ lăn tăn gợn sóng… Đây không phải là ảo giác mà chỉ vì quanh đầm có những ghềnh đá nhô xa ra ngoài đầm tạo thành những mỏm mới thoạt nhìn có nhiều hình dạng khác nhau tuỳ theo nhãn quan và tâm trạng mỗi người trong từng thời điểm khác nhau: như mỏm Cây Sanh có lúc như cánh chim vươn cao, lúc nhìn như tà áo lụa xanh bay lất phất trong nắng sớm. Có lẽ chính bởi thế núi đồi, vị trí của đầm nên nhiều tao nhân mặc khách đã không tiếc lời ngợi ca qua nhạc hoạ thơ văn, mà tiêu biểu là nhà thơ Xuân Diệu khi đứng nhìn mặt đầm đã thốt lên: "Mặt đầm đôi cánh chim loan mở" Còn trước đó khá lâu, thi sĩ Tản Đà đã ghé ngang qua đây và thốt lên rằng:
Lấy chi vui với thu tàn Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu Dung dị và mộc mạc hơn, trong dân gian còn lưu truyền câu ca dao đánh dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng của nhân dân Phú Yên và riêng của Lê Thành Phương, người anh hùng của quê hương đã ngẩng cao đầu trước lưỡi gươm kẻ thù: Ô Loan nước lặng như tờ Thương người chiến sĩ dựng cờ Cần Vương
Trải bao gối đất nằm sương Một lòng vì nước nêu gương anh hùng. Trong đầm còn có những rạng ngầm dưới mặt nước, là nơi để những con hàu bám vào sinh sống, một loại hải sản ngon, mát bổ. Đầm Ô Loan có nhiều hải sản sinh sống như tôm, cá, ghẹ, cua huỳnh đế, điệp, cá mú… nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là con sò huyết Ô Loan cơm dày, thịt ngọt và rất thơm, thơm hơn sò huyết các nơi khác, được du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Trước đây, sò huyết Ô Loan không chỉ có mặt khắp nơi trong nước mà còn xuất khẩu sang Singapore, Thái Lan… Hiện nay, đầm Ô Loan được Bộ VHTT xếp vào di tích danh thắng cấp quốc gia. Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, nhân dân sống quanh đầm tổ chức lễ hội đua ghe truyền thống, thu hút nhiều đội ghe đua ở các địa phương khác đến tham gia.Trước đó, ngư dân cũng tổ chức cúng thần, cầu ngư, hò bá trạo…
Huyền Thoại Về Đầm Ô Loan Trong dân gian có nhiều huyền thoại về tên gọi đầm Ô Loan, nhưng gần gũi nhất là câu chuyện về nàng Loan và chim Ô thước đã được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Theo lời kể của ông Cao Phi Yến một nhân sĩ và là nhà nghiên cứu văn hoá dân gian kể lại rằng: Ngày xưa, có nàng tiên trên trời rất xinh đẹp tên nàng Loan, nhưng tính tình hay tinh nghịch. Một ngày nọ nàng Loan mượn con chim Ô thước bay xuống trần gian dạo chơi khắp nơi mà không hề để ý chim đã mỏi cánh, đói và khát, nên khi ngang qua Tuy An, chim không còn đủ sức để bay, nên hạ cánh xuống dãy núi Từ Bi, sau này mượn tên chim Ô thước của nàng Loan ghép chung với tên nàng, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm. Dị bản: Cũng y với câu chuyện này, nhưng chi tiết được thêm thắt nên câu chuyện có một vài thay đổi: Nàng Loan vốn là tiên nữ trên trời, nàng thích ngao du sơn thuỷ để nhìn ngắm cảnh đẹp sông nước, núi non. Một ngày kia, nàng Loan cỡi con chim quạ bay ngang qua đất Phú Yên, thấy trên mỏm Cây Sanh có một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú đang cuốc đất khẩn hoang trồng cây lương thực. Nàng cho quạ hạ cánh xuống gần đó và núp trong bụi cây quan sát. Càng nhìn, lòng nàng càng vương vấn; càng ngắm nàng càng thấy mình không thể rời xa chàng được nữa. Thế là nàng Loan quyết định ở lại cõi hồng trần, xe duyên kết tóc với chàng thanh niên nọ, ra sức khai phá đất đai, lập nên đất Tuy An và sanh con đẻ cái lập thành làng mạc trù phú. Những truyền thuyết, huyền thoại về một vùng đất sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn và vẻ đẹp của vùng đất ấy, cho nên quanh đầm Ô Loan, những truyền thuyết không chỉ dừng lại ở đây, mà con đem cả sự tích Cao Biền, một sự tích có vẻ hoang đường nhưng được người đân địa phương nhiều thế hệ kế tiếp nhau mượn cớ tô vẽ nhằm góp phần điểm xuyết cho Ô Loan thêm mỹ miều thơ mộng hơn. (Theo lời kể của ông Nguyễn Điệm 87 tuổi và ông Trần Văn Bương 85 tuổi ở An Hòa).
Truyện Trâu Thần Dừng chân ở Ô Loan, du khách nhìn thẳng ra hướng đông-bắc sẽ thấy một dãy núi đá màu trắng nằm ngang, dọc theo dãy đá trắng này là hòn Chùa, xa hơn chút nữa là hòn Khô (chỉ toàn đá, không có cây cối mọc). Nằm cạnh hòn Khô có hai hòn đá to sát vào nhau như một cặp trâu đang nghỉ ngơi sau buổi cày. Và cách đó khoảng vài cây số lại có hai hòn đá lớn nằm chồng lên nhau. Trong cụm núi đá này có nhiều truyền thuyết: Hai hòn đá lớn nằm kề sát nhau có hình dạng con trâu khổng lồ, theo dân gian kể lại rằng: đó là hai con trâu của thiên đình sai xuống giúp dân khẩn hoang, khai phá đất đai trong buổi đầu mở đất, để có những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ hai bờ sông Ba, sông Cái. Khai phá xong, đôi trâu thần quyến luyến với dân bản xứ nên không nỡ bay về trời, bèn hoá hồn vào đá thành hai tượng trâu nằm, để được gần gũi với người dân địa phương. Trước kia, hàng năm dân địa phương có tổ chức cúng bái. Lệ này về sau bãi bỏ. Lã Vọng Câu Cá Về hai hòn đá nằm chồng lên nhau ở mạn nam đầm Ô Loan, tương truyền ông Lã Vọng trong một chuyến nam du, đến nơi đây thấy phong cảnh hữu tình, bèn nảy ra ý định ngồi câu cá, chẳng may gặp nước thuỷ triều dâng cao, nên buộc lòng ông phải vác một hòn đá thứ hai xếp chồng lên để ngồi khỏi bị ướt. Khi có con cá lớn cắn câu, Lã Vọng giựt mạnh làm đứt lưỡi câu, cá văng xuống biển, tiếc rẻ, ông giậm chân xuống hòn đá làm lõm xuống in hình dấu chân to, còn chiếc giày ông mang ở chân bên kia thì rơi ra thành hòn Giày bây giờ (có hình thù rất giống chiếc giày).
Hòn Giày Hòn Mão Ảnh: Internet Dị bản: Về hòn Hòn Giày Tương truyền khi Cao Biền cỡi diều trên đường tìm long điểm huyệt, bị nhân dân ta phát hiện bắn rơi làm văng chiếc giày ra gần mé biển tạo nên hòn Giày, chiếc mão rơi gần đấy thành hòn Mão (!?).
Cao Biền Trấn Yểm Chuyện kể rằng, Cao Biền trên đường cỡi diều bay về phương Nam tìm long huyệt để trấn yếm, khi ngang qua đầm Ô Loan, ông thấy một thế đất có hình dạng như chim loan, chim phượng, nên từ trên trời cao Cao Biền dùng bút điểm con mắt vào phía mỏm dãy núi Từ Bi để thành hình con chim Loan và dãy đồi phía đông mắt con chim quạ có nhiệm vụ trấn giữ cuộc đất long mạch, không cho phát tích nhân tài trên nước Nam: Bút thần biết ở cung sâu Xin vua chọn bút ngõ hầu mưu toan Vẽ diều rồi điểm mắt Loan Cỡi chim vượt núi phương Nam đi tìm (Theo lời kể trong dân gian và tư liệu của các ông Nguyễn Định, Nguyễn Đình Chúc và trong "Lĩnh Nam Chích quái”). Mả Cao Biền ở Tuy Mả Cao Biền ở Tuy An Ảnh: Internet Mả chỉ là một gò cát và đất sỏi đá nhô lên như một ngọn đồi thấp. Trên đỉnh đồi có một cồn cát nổi cao, trải qua bao nhiêu năm tháng cùng "tuyết nguyệt phong sương” vẫn giữ nguyên không hề bị xói mòn. Dân chúng thôn Đồng Môn xã An Hải (Tuy An) cho đó là do phép yểm khí làm cho cồn cát cứ tụ lại mãi. Tuy vậy đây chỉ là lòng mê tín dựa trên truyền thuyết chứ người dân không thể đưa khoa học ra để giải thích (Cát cứ tụ thành cồn là do gió Nồm Nam hàng năm thổi từ biển đưa cát vào, vun lên thành ngọn). Đứng trên chóp đỉnh mả Cao Biền nhìn bốn hướng thì phía đông là biển, phía tây là dãy đồi thoai thoải tiếp giáp với đầm Ô Loan, phía bắc là làng mạc của cư dân nằm rải rác dọc theo sườn đồi, còn phía nam giáp với các làng Diêm Hội và Phú Thường thuộc xã An Hoà, dân cư đa phần làm nghề biển. Tuy có tài yểm long điểm huyệt, có tài điều khiển âm binh, nhưng cuối cùng Cao Biền cũng bị thất bại theo như quan niệm chữ Nhân Đức của dân gian: Cao Biền táng tại Đồng Môn Trên sơn, dưới thuỷ trời chôn Cao Biền. Các đôi trai gái bày tỏ sự nhớ thương, cách trở cũng mượn mả ông Cao Biền để giải bày nỗi lòng của mình, đồng thời mượn địa danh mả Cao Biền như là tác nhân gây ra cảnh phân ly giữa đôi trai gái kia: Ngó ra ngoài mả Cao Biền Thấy đôi chim nhạn đang chuyền cành mai Cây oằn vì bởi trái sai Anh xa em vì bởi ông mai nhiều lời. Nhân vật Cao Biền được đề cập tới dưới nhiều dạng thức khác nhau, mà mở đầu là những câu ca dao có liên quan đến các địa danh và truyền thuyết gắn liền với nó: Ngó ra thấy mả Cao Biền Ngó vào thấp thoáng Ma Liên, Chóp Chài. Theo truyền thuyết thì mả Cao Biền nằm trên đỉnh đồi cát thuộc thôn Đồng Môn, xã An Hải huyện Tuy An, cách QLIA chừng 5 cây số. Từ thôn Phú Điềm xã An Hoà theo đường xã lộ đến Tân An rồi rẽ qua hướng Bắc đến làng Đồng Môn. Tại đây có con đường liên xã, rẽ theo hướng Đông khoảng 1 cây số nữa là đến ngọn đồi có mả Cao Biền. Ngọn đồi này toàn đất sỏi, đá dăm không có cây có tán lá rộng mà chỉ là những lùm bụi gai mọc lúp xúp. Trên đỉnh đồi nhô lên một cồn cát cao và cứ tồn tại theo thời gian, bất chấp cả bão to gió lớn, cồn cát này không bao giờ bị mất đi. Từ sự tích Cao Biền, người dân nơi đây đặt ra bài vè như sau: Cao Biền từ thuở nhà Đường Biệt tài địa lý, thạo luôn phép màu Bút thần biết ở cung sâu Xin vua chọn bút ngõ hầu mưu toan Vẽ diều rồi điểm mắt Loan Cỡi chim vượt núi phương Nam đi tìm Hàm long, Long đổ kỳ duyên Trấn yếm linh huyệt giữ quyền trị dân Tiếng đồn lan khắp xa gần Nơi này biết được hợp quần cùng lo Mua cung lớn, sắm ná to Chờ cho Biền đến bắn cho nát diều Thế rồi đến một buổi chiều Họ Cao ngất ngưởng phiêu diêu lưng trời Bỗng nhất loạt, bắn khắp nơi Rừng tên vây phủ làm rơi diều thần Ô Loan từ ấy hoá thân Mắt thành ngọc điệp, vảy chân sò, hàu Bộ lông hoá kiếp rau câu Tạo nên đặc sản hàng đầu quê ta Cao Biền về cõi tha ma Nắm xương gửi lại không xa vùng đầm Chiếc giày thuở ấy âm thầm Rơi trên vách đá bao năm vẫn còn Cái mũ thì rớt cao hơn Cách mấy hòn núi là hòn Mão đây. (Ghi lại theo lời kể của nhân dân An Hải và ông Trần Quốc Dũng) Ngôi Miếu Bà Trang Bà Trang là ai, gia thế, tổ tiên, hậu duệ ra sao không ai rõ. Nhưng ngôi miếu thờ bà thì tồn tại từ đời này sang đời khác tại hai nơi: một trên đất An Thạch ở huyện Tuy An và một tại Hảo Sơn ở huyện Đông Hoà để thờ cúng bà. Mãi cho đến ngày nay, những người tuổi trên 80 vẫn nhớ rõ ràng về truyền thuyết bà Trang cứu chúa: Miếu thờ bà Trang ở huyện Tuy An là một ngôi miếu nhỏ nằm sát chân núi thuộc thôn Ngân Sơn. Tường xây bằng gạch đất nung, mái lợp ngói âm dương. Trong gian thờ có một bệ nhỏ đặt ghế thờ, hương án và có người phụng tự hương khói hàng năm. Đây là ngôi miếu cổ có tiếng linh thiêng: giữa trưa tròn bóng hay đêm khuya những người đi qua đây đều phải ngả mũ nón, cúi đầu mà bước. Những người có việc cầu xin những việc phúc đức đến cầu vái, dâng hương đều được phù hộ. Nhiều cặp trai gái yêu nhau nhưng vì gia cảnh không môn đăng hộ đối, hay trắc trở việc nhân duyên tới miếu khấn cầu đều được toại nguyện. Sở dĩ bà được thờ cúng trọng vọng là do ngày xưa bà có công giúp Nguyễn Ánh trốn thoát khỏi sự truy lùng của quân Tây Sơn. Chuyện kể rằng, không biết gốc gác bà Trang ở đâu, chỉ biết bà một thân một mình đến đây ngụ cư từ rất lâu, không gia đình, chồng con. Bà cũng trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa như bao nhiêu người khác trong vùng, cùng góp vào sự nổi tiếng cho Phường Lụa Ngân Sơn một thời vang bóng (cũng có người kể bà cất một quán nhỏ bên bờ sông Cái bán trầu cau, chè thuốc để độ nhật). Một ngày kia, sau khi bị thất thủ tại vũng Lắm Sông Cầu, Nguyễn Ánh theo cửa Tiên Châu ngược bờ sông Cái trốn về phương Nam. Bị quân Tây Sơn đuổi sát, binh sĩ và quan quân hộ giá đều thất tán, Vương một thân một mình men theo sông Cái mà chạy, chợt thấy một chiếc ghe đậu sát bờ, Vương mừng rỡ, leo lên ghe cầm dầm bơi sang bờ bên kia, nhưng khi ra giữa dòng, hễ khua dầm quấy nước là chiếc ghe cứ xoay tròn, khua ít thì ghe xoay ít, càng khua bơi nhiều thì chiếc ghe càng xoay tròn nhiều hơn, trong khi quân Tây Sơn đã gần tới nơi. Vương biết phen này khó thoát chết, bèn ngửa mặt lên trời than: -Vận nhà Nguyễn tới đây đà hết! Trời hại ta tại khúc sông này! Tiếng than vừa dứt, bỗng đâu giữa sông một bầy rái cá nổi lên đưa thuyền Vương sang bờ bên kia, cũng chính là lúc quân Tây Sơn đã đến bờ bên này sông truy lùng. Vương hớt hải chạy vào quán nước, gặp bà chủ quán già nua đang ngồi têm những miếng trầu để giao cho khách hàng. Vương đánh liều nói với bà chủ quán: -Ta là chúa Nguyễn, đang bị quân Tây Sơn đuổi theo bắt. Không biết bà có cách gì giúp ta trốn thoát chăng? Bà Trang bèn quì tâu: -Mời Chúa vào trong buồng, dầu là hôi hám dơ bẩn nhưng xin Chúa cứ leo lên giường lấy chiếu đắp lại thật kín. Khi nào quân Tây Sơn đến hỏi, Chúa cứ giả đò rên thật to để mặc tôi ứng biến. Chúa cảm phiền, giường chiếu không được sạch sẽ và êm ái. Nói xong, bà Trang tức tốc lấy nước dơ bẩn vẩy khắp nền nhà, mùi hôi thối bay lên nồng nặc. Chúa khoát tay, không nói gì vội vã leo lên giường nằm đắp kín chiếu. Một lát sau đó, quân Tây Sơn reo hò vượt sông. Một người trong toán binh sĩ kia vung giáo lên hỏi. Bà chắp tay cung kính thưa: -Nguyễn Ánh ra sao? Có phải người vừa nãy chạy qua đây một thân một mình, mặc áo gấm, đầu chít khăn Tam Giang, quanh lưng có chiếc đai…? -Đích thị. Chợt bên trong có tiếng rên nổi lên đau đớn. Quân Tây Sơn hỏi: -Ai nằm trong đó? Bà Trang khúm núm thưa: -Bẩm chồng tôi, bệnh rất nặng, bị chứng phù khí mình mẩy sưng tấy, nước vàng chảy hôi hám mà không có thuốc chữa, chỉ nằm chờ chết. Bẩm tướng quân thứ lỗi, chồng tôi không thể gượng dậy nổi để ra cung bái quý quan được, xin tướng quân tha tội. Quân lính của Tây Sơn như chợt tỉnh khi ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc xông lên mũi. Một trong số đó quát: -Đừng có lôi thôi, nhà ngươi thấy hắn chạy đằng nào thì chỉ mau lên, kẻo ta lấy mạng nhà ngươi đó? -Bẩm tướng quân, người chít khăn Tam Giang, mặc áo gấm như tướng quân nói vừa nãy, tôi thấy chạy đến mỏm núi phía Đông kia kìa, mới chạy qua đó. Chạy rất nhanh… Bà vừa nói vừa chỉ tay về hướng núi phía trước. Viên tướng Tây Sơn lập tức ra lệnh kéo quân vây kín ngọn núi có nhiều gai góc, lùm bụi rậm rạp, sai dùng bổi và rơm chất quanh núi và phóng hoả đốt sạch. Không thấy ai chạy ra, đám quân sĩ Tây Sơn tưởng mọi người ẩn nấp trong đó đã bị thiêu cháy bèn kéo quân đi. Vậy là Vương thoát chết lần nữa. Chuyện cũng kể thêm rằng: sau khi quân Tây Sơn phóng hoả đốt cháy sạch ngọn núi, tưởng rằng Nguyễn Ánh đã chết cháy thì kéo quân bỏ đi. Đợi đêm tối trời, Nguyễn Ánh từ biệt bà Trang chạy về hướng Phú Hội thì gặp được tàn quân của Vương tại đây, hồi sau một số tướng lĩnh kéo tới, cùng nhau họp bàn tìm cách vượt khỏi chốn nguy hiểm này. Trời tối nhờ nhờ bỗng dưng sầm đen như mực, nhờ vậy mà Vương cùng đám tàn quân xuống thuyền vào Nam an toàn ). Sau khi thống nhất giang sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, nhớ ơn xưa bèn cho mời bà về kinh đô để đền ơn đáp nghĩa, nhưng khi quan quân đến nơi tìm tông tích thì bà đã mất từ lâu. Vua ra lệnh cho lập miếu thờ bà như miếu thờ các vị công thần khai quốc, cấp ruộng tư điền để phụng thờ hương khói, giao cho lý trưởng làng Ngân Sơn tìm người phụng tự sớm hôm. Hàng năm, quan phủ Phú Yên đến tận ngôi miếu để làm chủ tế. Lễ cúng tế bà Trang rất linh đình những năm Gia Long còn trị vì. Đồn rằng khi ngôi miếu xây xong, vua Gia Long ban cho hương án, nghi khậu, chuông khánh cùng nhiều đồ thờ có giá trị, nhưng do thời gian và chiến tranh nên tất cả những di vật trong ngôi miếu lần lượt bị thất thoát. Ngày nay, ngôi miếu chỉ còn là hình ảnh một thời, bởi nó đã sập đổ do bom đạn, nền miếu cũ đã được dân xây cất chất chồng lên bên trên, nhưng trong tâm khảm của người dân làng Ngân Sơn, bà Trang và ngôi miếu thờ bà vẫn còn đó dưới hình thức tôn kính tâm linh.Và sự tích về bà Trang vẫn được nhân dân kể cho lớp hậu thế nghe để răn dạy con cháu về chữ NHÂN NGHĨA… ở đời. (Theo lời kể trong dân gian và tư liệu của các ôngNguyễn Đình Tư trong quyển "Non Nước Phú Yên", Nguyễn Đình Chúc "Địa danh Phú Yên qua tục ngữ ca dao", Ngô Sao Kim "Truyện Cổ Dân Gian Phú Yên").
Gành Đá Dĩa và huyền thoại về kho báu biến thành đá Từ thị trấn Chí Thạnh huyện Tuy An đi theo đường xã lộ Cây Keo-An Ninh về hướng đông chừng 10 km là tới gành Đá Dĩa (thuộc thôn 6 xã An Ninh Đông).
Đá
Dĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất 50 mét; nơi dài nhất
200 mét. Từ xa nhìn vào gành thấy những tầng đá lô nhô như vườn tượng
của các nhà điêu khắc tài danh, nhưng khi đến gần, gành là những trụ đá
nơi cao, nơi thấp hoặc thẳng đứng hoặc hơi nghiêng nghiêng so với mặt
nước biển, tạo thành một cảnh quan rất kỳ vĩ, đứng từ xa nhìn về gành
trông giống như một tổ ong khổng lồ nhô ra giữa biển khơi bạc sóng. Bao
quanh gành đá là một bãi cát hình cong lưỡi liềm dài khoảng trên dưới 3
km. Cát trắng mịn, bạc sáng trong nắng ban mai lấp loá, là một bãi tắm
rất tốt.
Đá ở gành Đá Dĩa có màu đen huyền hoặc nâu vàng xếp thành cột, nửa chìm nửa nổi trên mặt nước biển, chồng lên nhau như có một bàn tay vô hình bê từng phiến đá lục giác, bát giác xếp chồng lên nhau như người nội trợ chồng những cái dĩa cao ngất. Mỗi viên đá có độ dày từ 60-80 cm. Do đứng nhô ra biển, quanh năm sóng vỗ nên đã tạo thành những lỗ khuyết tròn láng. Ở giữa gành có một hõm trũng, nước mưa, nước biển đọng lại lại tạo thành vũng và trong đó có nhiều loại cá nhỏ, có màu sắc sặc sỡ: xanh, vàng, tím, hồng nhạt… bơi lội tung tăng. Xung quanh hõm nước này, đá dựng thành cột liền khít nhau. Theo các nhà địa chất học, từ hàng triệu năm trước núi lửa hoạt động trong khu vực này, phun nham thạch ra bề mặt trái đất rồi nguội lại đông cứng thành đá. Trên thế giới hiện nay, ngoài gành Đá Dĩa ở Việt Nam thì Scotland là nơi thứ hai có một địa điểm đá xếp chồng thành những cột thẳng đứng giống như gành Đá Đĩa Việt Nam, có tên gọi là Giant’s Causeway (Con Đường Của những Người Khổng Lồ), đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1986. Riêng gành Đá Dĩa đã được Bộ VHTT xếp hạng thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia vào năm 1998. Bên cạnh gành Đá Dĩa có Bãi Bàng với những tầng đá màu vàng sáng chồng lên nhau, lặng yên dưới những tán cây bàng vươn cành lá ra khoảng không xa rợp mát cả một vùng rộng lớn, rất lý tưởng cho du lịch, dã ngoại, cắm trại ngoài trời. Địa danh này đã đi vào ca dao địa phương: Chiều chiều sóng bổ Bãi Bàng Một ngày xa bạn, ăn vàng (cũng) không ngon. Thắng cảnh có một không hai ở Việt Nam này cũng được người dân truyền tụng một huyền thoại chung quanh gành Đá Dĩa như sau: Huyền thoại về kho báu biến thành đá: Xưa kia, có một người nọ rất giàu có nhưng chẳng may vợ chết sớm, chưa kịp có với nhau mụn con nào. Vốn là người chung thuỷ, ông ta không tục huyền và nảy ra ý định tu tập Phật pháp. Bao nhiêu của cải vàng bạc châu báu, ông đều đem phân phát cho người dân trong vùng để làm kế mưu sinh. Số còn lại ông cất vào kho cạnh bờ biển (tức thôn 6 xã An Ninh Đông ngày nay) với ý định là sau này khi thành đạo, số của cải ấy sẽ đem ra xây dựng chùa chiền và dâng tặng cho vị minh quân nào yêu thương con dân như con đẻ. Sau thời gian dài tu tập thành Đạo, ông theo Phật về cõi Niết bàn chưa kịp dùng số của cải kia cho ý tưởng tốt đẹp ban đầu. Biết có kho tiền cạnh bờ biển, nhiều kẻ nảy lòng tham, đang đêm hè nhau đến kho cướp bóc, nhưng lạ lùng thay, cửa kho chỉ là những tấm ván gỗ thông thường như bao cửa nhà dân khác, tường chỉ là những phiến đá chất cao bao quanh, nhưng không tài nào cạy ra được. Đêm này sang đêm khác, ròng rã mấy tháng trời mà tường đá, cửa gỗ vẫn không hề suy suyển. Quá tức giận, chúng bèn dùng củi, bổi chất phủ lên kho và phóng hỏa đốt, lửa cao ngất trời nhưng cánh cửa gỗ vẫn y nguyên. Một đêm nọ, bọn tham lam kia lại tìm đến và dùng các vật xú uế bôi lên cánh cửa gỗ rồi chất củi tiếp tục đốt. Nửa chừng bỗng xảy ra cơn gió xoáy như vòi rồng cuốn những kẻ đứng chung quanh kho bạc mất hút lên không và phát ra một tiếng nổ kinh hoàng, khiến mọi người đang say giấc điệp cũng choàng tỉnh, đổ xô ra hướng bờ biển, nơi phát ra tiếng nổ. Nhưng tất cả đều chìm trong đêm tối tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng sóng biển đập đều đều vào bờ đá lao xao trong đêm tối đen như mực. Sáng hôm sau, họ kéo nhau ra phía bờ biển, thì hỡi ơi, kho bạc của người nhà giàu nọ không còn nữa mà chỉ thấy những phiến đá to hình lục giác xếp chồng lên nhau thành từng cột ngay ngắn, cao thấp khác nhau, kéo dài ra tận ngoài biển, thi gan cùng tuế nguyệt. Dị bản 1: Có một nhà giàu nọ, người Đàng Ngoài chuyên tâm làm ăn, tích đức. Nhưng trong số con ít ỏi của ông lại có người con trai trưởng thuộc loại "phá gia chi tử” khiến ông rất buồn rầu. Ông thường đích thân chỉ huy đội thương thuyền chở các loại hàng nông thổ sản và hương liệu xuôi buồm về phương Nam, sang tận các nước Xiêm La, Cao Miên, Tân Gia Ba… và các nước lân cận khác. Chẳng lâu sau, đã giàu có lại càng giàu hơn. Trong chuyến đi buôn cuối cùng, chẳng may gặp bão lớn, đoàn thuyền của ông tấp vào gành đá An Ninh Đông, phải neo thuyền và lên đất liền lánh nạn. Đến khi trời tạnh, sóng yên, ông rảo bước trên vùng đất tránh bão và nhận ra đây là nơi có phong cảnh hữu tình: có cánh đồng bát ngát, xanh rì; có dãy núi nhỏ ăn thông tận mép biển và đặc biệt là vòng cung bãi cát trắng phau, nước xanh leo lẻo, soi thấy mặt. Ông ngẫm nghĩ, mảnh đất này vừa đẹp vừa là nơi cứu tử khi gặp bão nên quyết định đưa cả gia sản cùng vợ con vào sinh sống, làm ăn với tâm niệm đến vùng đất mới có thể sẽ làm cho đứa con hư hỏng của ông hồi tâm. Công việc đầu tiên là ông xuất tiền bạc cho xây một ngôi chùa trên đỉnh núi, thỉnh kinh Phật, rước một nhà sư cao đạo về trụ trì để sau những chuyến đi dài ông lên chùa nghe kinh, tụng niệm. Trong các chuyến đi buôn sau đó ông thường mang theo đứa con trưởng mong truyền lại nghiệp để có thể yên tâm kinh kệ nơi cửa Phật. Nhưng tiếc thay, lòng thành của ông không được đền đáp. Chuyến đi năm đó, đứa con hư hỏng của ông tập hợp những tên du thủ du thực cướp thuyền buôn và quăng ông xuống biển rồi kéo thuyền đi thẳng. Khi ông rơi tòm xuống nước cũng chính là lúc có đàn cá Ông lướt tới và đưa ông về tận quê nhà (nơi ở mới). Quá thất vọng về đứa con, ông gom hết của cải chất vào kho cạnh bờ biển với lời nguyền là toàn bộ của cải này sẽ chỉ có một người giải mã được để lấy ra dùng vào việc an dân. Số con lại, ông mang phân phát hết cho dân trong vùng và cho nhà chùa, rồi ông quyết định xuống tóc đi tu cho tới khi ông chết. Chẳng bao lâu sau, người vợ và đứa con gái hiếu thảo cũng theo ông qui tiên. Toàn bộ số của cướp được từ tay người cha trong chuyến buôn năm ấy, người con thua bạc sạch. Đám bạn du thủ trở thành đám lâu la cướp biển mà đứa con là thủ lĩnh, cướp bóc tàu thuyền buôn suốt dọc khu vực lân cận. Khi hay tin cha đã mất, đứa con quyết định quay về để cướp toàn bộ số tài sản cha mình để lại. Đang đêm, cả bọn cập bến, tiến về phía kho đập phá nhưng cửa kho và vách tường không hề suy suyển. Sau đó chúng dùng vật dơ rải khắp kho rồi dùng củi chất chung quanh đốt cháy suốt ba ngày đêm và cuối cùng nhà kho nổ ra một tiếng kinh hoàng, lửa phụt cao đến hai mươi trượng. Cả bọn mừng rỡ ào tới định chuyển của cải xuống thuyền. Nhưng hỡi ơi, những nén vàng bạc trong kho hiện ra trước mắt chúng lúc này chỉ là những viên đá hình lục giác xếp chồng như những nén bạc! Tức giận, chúng dùng rìu chặt đốn nhưng khi lưỡi thép va vào thì lập tức dội ngược trở lại trúng thẳng vào người chúng, khiến cả bọn kinh hãi giong thuyền trốn đi nơi khác. Dị bản 2: Dựa theo lời kể của các cụ ở Tuy An thì xưa kia, vùng đất này có cảnh trí rất thơ mộng, đến nỗi các vị tiên từ thiên đình chọn nơi đây làm nơi đối ẩm đề thơ, ngâm vịnh. Vì thế cho nên họ đã chuyển chén vàng dĩa ngọc từ cung đình xuống để bày yến tiệc, ngắm cảnh. Đến khi các vị tiên này ngao du cảnh trí ở những nơi khác thì bỏ quên số chén dĩa nói trên, lâu ngày hóa thành những cột đá (!?) để An Ninh Đông có gành Đá Dĩa tuyệt đẹp như ngày nay. (Theo lời kể của bà Hà Thị Thỉ và ông Nguyễn Trọng 85 tuổi ở An Ninh Đông, có đối chiếu "Truyện cổ Phú Yên” của Ngô Sao Kim).
Nguồn: Phuyen.info.vn | |
|
Total comments: 0 | |