Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 7, ngày 20/04/2024, lúc 4:59 AM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 21 » Phú Yên: Truyền Thuyết Đất Tuy An II
10:05 PM
Phú Yên: Truyền Thuyết Đất Tuy An II

Truyền Thuyết Đất Tuy An II

Chùa Lầu và Thiên Tình Sử

Chùa Lầu là tên gọi dân gian do rường cột xây theo lối cổ lầu. Tên chữ của ngôi chùa này là Phước Lâm Tự tại thôn Tuy Dương xã An Hiệp. Chùa được khai sáng vào đời Hậu Lê, cách nay khoảng 300 năm. Các di tích hiện còn  là năm ngôi tháp táng các vị hoà thượng và các tháp Bửu Đồng, tháp Ni cô…

 

Chùa Lầu cũng bình thường như bao ngôi chùa khác, được xây trên lưng chừng ngọn đồi thấp. Toàn khu vực chùa rộng trên dưới 600 mét vuông trồng nhiều cây ăn trái đã già cỗi. Cả vườn rậm rịt vì cỏ dại và gai góc. Nền chùa rộng chừng 20 mét vuông theo kiểu hình chữ MÔN. Rường chùa theo kiểu cổ lầu, vật liệu toàn bằng gỗ gồm cột, kèo, xá, trính, quyết, cửa sổ, cửa đi… được bào láng và chạm trổ rất công phu. Gỗ để dựng chùa hầu hết là gỗ quí như Lim, Gõ, Mìn Lin… Do vị trí chùa được xây dựng trên lưng chừng đồi nên khung cảnh ở nơi này rất tĩnh lặng, du khách đến dễ có cảm giác tâm hồn thanh thản, chay tịnh. Muốn đến chùa Lầu thì từ chợ Thứ [1] đi khoảng 3 cây số nữa đến chợ Lẫm ồi rẽ phải là đến chùa. Từ dưới dốc lên tới cổng tam quan dài 300 mét có lát những tảng đá lớn được đẽo gọt phẳng phiu, hai bên lề có những cây cổ thụ tán lá rộng xoè ra che kín cả lối đi, tạo thành bóng râm mát quanh năm. Do đường lên chùa dốc lài cao, nên nhà chùa có đặt một số vò nước bên cạnh gốc cây cổ thụ để khách thập phương uống giải khát, hay rửa mặt. Đó là nói về những năm trước, chứ ngày nay, những cây cổ thụ này bị chặt gần hết, đường lên chùa trống trơn, chói nắng.

 

Tuy phải chứng kiến cảnh vật đổi sao dời, nhiều chỗ, nhiều nơi bị thay đổi nhưng thiên tình sử xảy ra tại ngôi chùa này vẫn mãi mãi lưu truyền trong dân gian:

 

Thời xa xưa, có đôi trai tài, gái sắc yêu nhau tha thiết nhưng do không môn đăng hộ đối nên cha mẹ không bằng lòng, bắt phải chia loan rẽ thúy. Để giữ trọn mối tình chung thuỷ với chàng trai, nàng đã bỏ gia đình lần bước lên Phước Lâm tự với con tim tan nát, với tâm trạng rối bời. Những giọt nước mắt theo từng bước chân nàng ngược lên dốc khiến cho những tảng đá lớn trên đường đi cũng tan ra và phẳng phiu như ngày nay còn thấy. Đến cổng tam quan, nàng ngoái nhìn lần chót về phương Nam nơi nhà nàng và nhà chàng cách nhau một con sông cạn, nơi chàng và nàng thề non hẹn biển trên soi cát đầy những bông bí, bông mướp vàng rực, rồi gạt nước mắt bước tới chánh điện xuống tóc, xin gửi thân nương nhờ cửa Phật để giữ trọn tình với chàng trai.

 

Người yêu ra đi biệt tăm không một lời từ biệt, khiến chàng trai vô cùng đau khổ. Chàng không còn thiết gì tới việc đèn sách, ăn uống. Sau đó, chàng cũng bỏ nhà ra đi, quyết tâm tìm cho ra tung tích người yêu để nói câu cuối cùng. Chàng đi hết rừng này đến đèo nọ, sông suối lùi lại sau những bước chân chàng. Một ngày kia, chàng tới chân dốc một gọn đồi và thiếp đi vì đói khát và mệt nhọc. Trong giấc ngủ chập chờn mệt mỏi, chàng thấy một đàn bướm màu vàng nối cánh từ chân dốc ngược lên tận đỉnh đồi. Chàng sực tỉnh, thấy hình như trước mắt vẫn còn váng vất những cánh bướm xa gần đâu đây. Lấy làm lạ, chàng men ngược lên đỉnh, tới một gốc cây cổ thụ, chàng thấy một vò nước trong bèn bưng uống thì thấy người tỉnh táo và mạnh mẽ lạ thường, như chưa hề trải qua chặng hành trình vất vả nhiều tháng liền. Chàng tiếp tục leo dốc lên ngôi chùa và nhìn thấy một ni cô đang quét sân chùa, hoá ra là người yêu cũ của chàng. Chàng khẩn khoản xin nàng hãy trở về cõi tục để nối lại duyên xưa như lời thề ước ngày nào. Nhưng nàng một mực chối từ, nhất định gửi thân cửa Phật. Chàng trai vẫn kiên trì thuyết phục nhưng cô gái một mực giữ trọn lời nguyền với Phật. Vô cùng thất vọng, chàng trai thất thểu xuống núi và nằm chết dưới chân dốc, biến thành tảng đá có hình người, đầu quay lên cổng tam quan, như gửi tấm lòng son sắt của mình cho người yêu là ni cô.

 

Dị bản:

 

Cùng có nội dung như trên, nhưng nhiều người dân trong địa phương lại kể khác đi ở đoạn kết: chàng trai không gục chết ở chân dốc trước cổng tam quan, mà chàng thất vọng ra đi biền biệt và chết trên hòn Chóp Vung cách đó không xa. Trên núi này cũng có tảng đá giống hình người nằm ngủ, đầu quay về hướng chùa Phước Lâm .

 

Ngày nay còn lưu truyền câu ca về chợ Lầu, xin được chép ra đây:

Ngó lên dốc Mụt chùa Lầu

Cảm thương em bậu buổi đầu thâm ân

Kể từ qua lại mấy lần

Nào ai phả lấp sông Ngân suối vàng

Gẫm trong kim cổ kỳ quan

Bước vô vườn liễu bông hoa tàn vì ai

Nhìn xem nguyệt quế non đoài

Bóng trăng lờ lợt biết ai nương cùng

Tận xưa rày nhơn nghĩa bập bùng

Xuống lên không đặng tỏ cùng ai hay

Mưu kia thế nọ ai bày

Làm cho chàng thiếp mỗi ngày  mỗi xa.

 

(Theo lời kể trong dân gian, có đối chiếu "Địa danh Phú Yên” của Nguyễn Đình Chúc).

--------------------------------------------------------------------

[1] Chợ Thứ được hình thành cách đây trên 120 năm vào đời vua Hàm Nghi. Ông Lê Thành Phương người lãnh đạo phong trào Cần Vương đã đóng quân tại đây, và để thuận tiện cho việc tiếp tế lương thực, ông cho thành lập chợ để dân chúng quanh vùng mang các sản vật, lương thực, thực phầm đến buôn bán, trao đổi. Sau khi phong trào thất bại, Lê Thành Phương bị giặc Pháp bắt và xử tử, nhân dân trong vùng nhớ ơn ông vẫn tiếp tục họp chợ nhưng không thường xuyên như trước, mà mỗi tháng chỉ họp 3 lần vào các ngày lẻ. Ngày nay chợ vần tiếp tục buôn bán bình thường như những chợ khác trong huyện.

Xoài Đá Trắng ở Chùa Từ Quang

 

Chùa Từ Quang    Ảnh: Internet

Chùa Từ Quang còn gọi là chùa Đá Trắng, tên chữ là Bạch Thạch Sơn Tự, Tư Quang A Lan Nhã Tự. Chùa nằm trên vùng đá toàn màu trắng thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An cách QL1A trên 500 mét. Du khách từ quốc lộ đi bộ từ phía nam vườn Xoài vượt đoạn dốc dài lát toàn bằng đá tảng tự nhiên quanh vùng (mỗi tảng có thể nặng hơn trăm cân) do các tăng ni, tín hữu di chuyển đến dưới sự chỉ huy sắp xếp, lát bậc cấp của thiền sư Huệ Nhân những năm cuối thế kỷ XIX.

Chùa Từ Quang được sáng lập vào năm Đinh Tỵ (1797) do thiền sư Pháp Chuyên, đời thứ 36 phái Lâm Tế khai sơn. Trước đó, vào năm 1793 thiền sư đã dựng lên thảo am và ở đấy dịch kinh Hoa Nghiêm. Bốn năm sau, thiền sư mới kiến tạo ngôi chùa theo dạng chùa nhà lá mái đồ sộ. Đến năm 1929 chùa bị hoả hoạn, công tình kiến trúc cổ xưa bị thiêu rụi hoàn toàn, sau đó được tái xây dựng tương tự theo nguyên mẫu chùa cũ.

Về mặt bề thế vào thời kỳ đó, chùa Từ Quang được xếp vào loại lớn nhất nhì trong tỉnh. Và năm Thành Thái nguyên niên được vua ban sắc tứ cho ngôi chùa này. Sau nhiều lần trùng tu, chùa Từ Quang đẹp hơn, uy nghiêm tráng lệ hơn. Đến đời sư trụ trì Thiện Tu ngôi chùa được kiến trúc theo lối cổ lầu rất đồ sộ và tráng lệ và ngày nay, được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chùa Từ Quang, phía bắc tựa vào dãy núi Xuân Đài, những cụm đá màu trắng nhấp nhô ẩn hiện trong những chòm cây um tùm càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm. Ba mặt còn lại là triền núi thoai thoải đổ về hướng đông với những lùm bụi nhỏ, cỏ xanh tạo cảm giác cho du khách thập phương như đang đứng nhìn ngắm một thảo nguyên thu nhỏ trong những bức danh hoạ cổ điển lúc trời quang mây tạnh, nắng hanh nhẹ. Còn phía Nam, trước mặt chùa là con sông cái Ngân Sơn – Phú Mỹ bao bọc tựa một dải lụa bạc trong nắng ban mai. Những buổi chiều ánh sáng phản chiếu mặt nước biếc dòng sông và dãy núi đá trắng trong khoảnh khắc trời mây sông núi liền một màu trông rất thơ mộng.

Cách thờ phụng hậu tổ, về hình thức cũng giống như các chùa khác. Nhưng về nét huy hoàng có phần trội hơn với màu sắc hài hoà khiến cho khách cảm thấy như được chìm đắm trong ánh đạo vàng vô biên và mầu nhiệm.

Vườn chùa có 8 ngôi tháp xây dựng trên khu đất rộng ở phía Tây ngôi chùa. Trong số đó có một ngôi thật đồ sộ, những ngôi khác nhỏ hơn. Duy có điều bia hiệu của mộ tháp đã bị rêu phong xói mòn che phủ không còn đọc được chữ khắc. Riêng ngôi tháp của Đại sư Thiện Tu vừa tịch được xây theo kiểu mẫu những mộ tháp của phái Đại thừa, đặc trưng của Campuchia, Thái Lan; dáng tháp có nhiều vòng tròn lớn nhỏ chồng lên nhau trông như những vòng hào quang của Phật pháp.

Ngôi chùa Từ Quang có đại hồng chung nặng đến 330 cân, do hoà thượng Pháp Ngữ ra Huế đúc vào năm Duy Tân thứ chín. Trên thành đại hồng chung có ghi kích thước và trọng lượng .

Nói về chùa Từ Quang,  đáng để ý nhất vẫn là những trái xoài thơm, ngọt đã đi vào ca dao: "Muốn lên Đá Trắng ăn xoài…”. Tương truyền ngày xưa, các vị sư trụ trì trong ngôi chùa cổ kính này trồng rất nhiều xoài tượng, có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm dịu, vừa ngọt lịm. Ai đã từng nếm thử đều không thể quên được hương vị của nó. Dưới triều nhà Nguyễn có một quan Bố chánh trấn nhậm Phú Yên đi du ngoạn thắng cảnh có lần đã ghé thăm ngôi chùa này nhằm đúng vụ xoài chín, được nhà sư trụ trì tiếp dâng xoài đãi khách. Viên quan ăn thấy ngon tấm tắc khen ngợi. Sau này, xoài Đá Trắng được coi là xoài tiến.

Gọi xoài Đá Trắng là xoài tiến, bởi nó được tiến lên vua cùng với trái lòn bon của Quảng Nam. Sau này, để trả ơn cho trái lòn bon đã nuôi mình trong lúc nguy khốn nên vua Gia Long đã đặt tên cho nó là trái Nam Trân. Riêng về xoài Đá Trắng, những lúc đem quân từ Cù Huân ra Quy Nhơn, Nguyễn Ánh thường dừng chân lại ở Xuân Đài để nghỉ ngơi, chuẩn bị lương thảo (Duyệt nguyệt chu sư bạc tiểu thành. Bà Đài ngạn thượng thả hưu binh). Có thể chính vào thời kỳ này Nguyễn Ánh đã nếm vị xoài Đá Trắng và miếng ăn lúc ấy rất ngon nên nhớ mãi nên sau này ra lệnh cho Phú Yên phải tiến. Đến đời Minh Mạng, vì nhà vua không chịu ơn trái lòn bon nên ra lệnh cho Quảng Nam chỉ tiến một số ít để dâng cúng Thế miếu. Còn xoài Đá Trắng thì mỗi năm vào Tết Đoan Ngọ Phú Yên phải mua cống 1.000 trái.

Hàng năm, cứ đến vụ xoài, các quan cho người về chùa kiểm kê số xoài thu hoạch, đóng sọt chuyển về kinh dâng lên vua, chỉ để lại một số vừa đủ để cúng Phật tổ, đãi khách. Từ đó xoài Đá Trắng còn có tên gọi là "xoài ngự”, "xoài tiến cung”.

Nhiều người cho rằng chính nhờ hương vị của xoài mà chùa Đá Trắng được vua ban tặng sắc tứ. Điều này còn phải bàn lại, nhưng theo chỗ chúng tôi khảo chứng các tư liệu Phật giáo về mặt lịch sử thì chùa Từ Quang là một trong những ngôi chùa được vị thiền sư của phái Lâm Tế đến đầu tiên ở Phú Yên lập nên để hoằng dương Phật pháp, từ đó truyền tới nay có trên chín đời.

(Tham khảo quyển Địa Danh Phú Yên của Nguyễn Đình Chúc)

Nguồn: Phuyen.info.vn

Chủ đề: Truyện kể dân gian | Lượt xem: 806 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==