9:53 PM Phú Yên: Truyền Thuyết và Huyền Thoại Trên Vùng Đất Sông Cầu | |
Truyền Thuyết và Huyền Thoại Trên Vùng Đất Sông Cầu I
Huyện Sông Cầu nằm ở phía Bắc tỉnh Phú Yên, là điểm dừng chân đầu tiên trên đất Phú Yên của các bậc tiền nhân trên đường đi mở cõi, phía đông là biển Đông với bờ biển dài 80 km, phía tây giáp huyện Đồng Xuân, phía nam giáp huyện Tuy An, phía bắc giáp tỉnh Bình Định. Trước kia, kể từ năm 1611 (khi tên gọi Phú Yên chính thức xuất hiện) đến năm 1954 huyện Sông Cầu nằm trong huyện Đồng Xuân. Để có được một vị trí độc lập trong bản đồ hành chính tỉnh Phú Yên như hiện nay, Sông Cầu đã trải qua nhiều lần tách nhập. Năm 1954, chính quyền Sài Gòn thành lập Nha đại diện hành chánh Sông Cầu trực thuộc tỉnh, đến năm 1957 thành lập quận Sông Cầu. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, huyện Sông Cầu lại nhập với huyện Đồng Xuân lấy tên là huyện Đồng Xuân, đến năm 1977 Đồng Xuân lại hợp nhất với huyện Tuy An thành huyện Xuân An nhưng chỉ sau một năm lại tách ra. Từ năm 1985 huyện Đồng Xuân lại tách ra thành 2 huyện là Đồng Xuân và Sông Cầu ngày nay. Về mặt hành chính, tuy nhiều lần bị tách nhập như vậy, song Sông Cầu đã từng có giai đoạn là tỉnh lỵ của Phú Yên, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Đó là thời kỳ từ năm 1888-1889 tỉnh lỵ Phú Yên đặt tại Vũng Lắm, từ năm 1899-1945 đặt tại Long Bình. Hiện nay, Sông Cầu có diện tích 487 km2, dân số trên 87 ngàn người[1] . Ngày xưa, từ Bình Định muốn vào Sông Cầu bằng đường bộ phải băng qua đèo Cù Mông cao 245m nằm trên dãy núi Cù Mông hiểm trở. Ngày nay, từ Bình Định vào Sông Cầu còn có một con đường bộ khác chạy dọc theo bờ biển, băng qua những bãi biển, eo núi, gộp đá tuyệt đẹp. Do đặc điểm địa lý của Sông Cầu có nhiều núi ăn thông ra biển hoặc nằm sát biển nên đã tạo thành vùng sơn địa và bán sơn địa, với nhiều đầm, phá, vịnh, vũng, bán đảo... với cảnh sắc thiên nhiên vô cùng độc đáo và thơ mộng. Biển và núi sát liền nhau, đồng bằng chỉ chiếm diện tích không đáng kể, do vậy địa thế vùng đất Sông Cầu khác hẳn so với những nơi khác, có nhiều đầm, vũng, vịnh ăn sâu vào đất liền, hay núi chạy lấn ra ngoài biển. Vì vậy toàn cảnh vùng Sông Cầu đẹp tựa bức tranh thuỷ mặc với non nước hữu tình, nhiều danh thắng được các tao nhân mặc khách lưu dấu bằng những áng văn thơ đặc sắc. Vẻ đẹp của những hàng dừa trên hai bờ con suối nhỏ này đã làm lay động tâm hồn nhà thơ Quách Tấn, khiến ông phải thốt lên: "Từ đỉnh Cù Mông đến vũng Rò. Con đường thiên lý chạy quanh co. Hàng dừa mé biển tung đuôi phụng. Rẫy bắp sườn non thẳng cánh cò”.
Từ trên đỉnh đèo Cù Mông có thể ngắm nhìn con đường bộ chạy ngoằn ngoèo theo sườn núi như rắn lượn và đầm Cù Mông nằm ngay dưới chân núi với bán đảo Vĩnh Cửu bao bọc. Đứng trên dốc Găng, khi mặt trời vừa nhô lên, cả một vùng rộng lớn trải dài từ hòn Nhất Tự Sơn đến Vịnh Xuân Đài chạy mút ra tận bán đảo Từ Nham với những rừng dừa xanh biếc, nối liền màu xanh của trời, biển và đất liền, tạo thành cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng: màu trời xanh không còn cao vòi vọi như các nơi khác bởi màu xanh của trời biển níu lại thật gần, khiến con người đứng giữa thiên nhiên bao la cảm thấy tâm hồn thơ thới, như muốn bay bổng, hoà nhập với non xanh nước biếc kia. Trong số các đầm vịnh ở Sông Cầu thì vịnh Xuân Đài có diện tích lớn nhất và cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất. Trong vịnh có cảng Vũng Lấm một thời tàu thuyền trong và ngoài nước cập bến buôn bán tấp nập. Trong vịnh còn có nhiều vũng nhỏ như vũng La, vũng Mắm, vũng Sứ, vũng Chào, vũng Dông, vũng Chua...với các đảo có cấu trúc địa chất độc đáo như đảo Nhất Tự Sơn, đảo Hòn Nần, cù lao Ông Xá. Do có bờ biển dài và nhiều đầm vịnh nên ngày xưa các triều đại phong kiến đã thiết lập ở Sông Cầu một số hải khẩu như hải khẩu Cù Mông, hải khẩu Xuân Đài, hải khẩu Vũng Lắm. Điểm đầu tiên các lưu dân đặt chân đến vùng đất Phú Yên xưa trên bước đường mở cõi chính là đèo Cù Mông. Đó là một rặng núi cao ngăn cách giữa hai tỉnh Bình Định-Phú Yên với những dốc đá lởm chởm, cây cối rậm rạm, nhiều thú dữ, rắn rít. Mạn phía Tây là sườn núi dốc, nhiều hẻm vực chia cắt liên tục tạo nên những con suối nhỏ, sâu hoắm. Mạn sườn phía Đông-Nam giáp biển Đông, vách núi thẳng đứng, hiểm trở. Ngày xưa muốn sang vùng đất phía Nam, không có con đường nào khác là phải trèo non, lội suối với không ít những gian nan nguy hiểm chờ đón phía trước hay theo từng bước chân. Về cấu tạo địa chất, thì Cù Mông là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển. Trên nhánh ngang này, có những rặng núi đỉnh nhô cao từ 530 mét đến 806 mét so với mặt nước biển mà người dân quanh vùng thường gọi là hòn như Hòn Ông, Hòn Bà, Hòn Khô, Hòn Kè… Đây cũng là điểm phát nguyên của hai con sông Bà Nam chảy ra đầm Cù Mông và sông Tam Giang chảy ra vịnh Xuân Đài ở phía Bắc tỉnh Phú Yên, tạo thành những thung lũng hẹp, bị hai sườn núi hai bên kẹp lại như những vực hẻm, không thích nghi cho việc trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt bên phía mạn đất liền. Nhưng khi núi đâm ra sát biển, thì nó đã tạo ra những vũng vịnh nông sâu khác nhau, tiện lợi cho việc đánh bắt thuỷ sản, tàu bè neo đậu, tạo thành cảnh quan tuyệt đẹp cho Sông Cầu. Trong khoảng hơn 80 km bờ biển của Sông Cầu, tính từ đèo Cù Mông vào tới Gành Đỏ, có rất nhiều nơi là cảnh đẹp tự nhiên như đầm Cù Mông, Vũng Lắm, Vũng La, Vịnh Xuân Đài, Bãi Tiên…có hòn Nần, Nhất Tự sơn, bán đảo Từ Nham…Nhưng từ lâu chúng vẫn là những cảnh quan tự nhiên trước bao đổi thay của thời gian mà chưa có bàn tay con người, nên vẫn còn mang dáng vẻ thơ mộng, e ấp của thôn nữ chân phương cùng với những câu chuyện kể lưu truyền trong dân gian theo cùng năm tháng. Về mặt lịch sử, trên đất Sông Cầu đã diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Sông Cầu mà với cả tỉnh Phú Yên. Vào thế kỷ 18, trong cuộc chiến tranh giữa nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn (1775) cảng biển Xuân Đài là nơi đã diễn ra trận quyết chiến giữa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy với quân của chúa Nguyễn do Tống Phước Hiệp chỉ huy mà kết quả là quân Tây Sơn đã tiêu diệt 2 vạn quân của Tống Phước Hiệp. Vào cuối thế kỷ 19 (1887) để tiêu diệt phong trào Cần Vương ở Phú Yên do Lê Thành Phương khởi xướng và lãnh đạo, quân Pháp đã dùng thuyền đổ bộ 1.500 quân lên cửa biển Xuân Đài, từ đó đưa quân đi đàn áp và tiêu diệt nghĩa quân. Trong đại chiến thế giới lần thứ hai, nhờ điều kiện địa lý thuận tiện nên quân đội Nhật đã đưa tàu chiến vào cửa biển Xuân Đài trú ẩn để tránh các cuộc ném bom tiêu diệt của quân Đồng minh. Trong thời kỳ Pháp thuộc ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Sông Cầu là tỉnh lỵ của Phú Yên, là nơi đóng công sở của triều đình phong kiến và của bộ máy cai trị Pháp nên các cuộc khởi nghĩa biểu tình của nhân dân đều đổ về Sông Cầu, nổi bật là cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và Trần Cao Vân vào năm 1898, phong trào cắt tóc xin xâu của các sĩ phu Duy Tân vào năm 1908. Vào những năm 1928-1929, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Tân Việt cách mạng Đảng được thành lập ở Sông Cầu. Đến năm 1931, chi bộ đảng Cộng sản được thành lập và vào ngày 25-8-1945 lực lượng cách mạng đã khởi nghĩa và giành chính quyền về tay nhân dân tại Sông Cầu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và chống Mỹ (1954-1975), quân và dân Sông Cầu đã lập nên nhiều chiến công vang dội và kết thúc bằng cuộc tiến công và nổi dậy vào lúc 11 giờ ngày 01-04-1975 giải phóng hoàn toàn Sông Cầu. Với những đặc điểm độc đáo về mặt địa lý, có nhiều danh lam thắng cảnh, lại có bề dày lịch sử với những sự kiện quan trọng trong đời sống xã hội được nhiều người dân biết tới, là nơi đã lưu dấu một thời đấu tranh mở mang bờ cõi và là nhân chứng trong một giai đoạn lịch sử oanh liệt của cha ông qua nhiều thế kỷ, vì vậy mà ở Sông Cầu cũng xuất hiện nhiều truyền thuyết, huyền thoại liên quan đến các di tích lịch sử và danh thắng nói trên. Bao nhiêu biến cố của một giai đoạn lịch sử đã qua đi, nhưng những dấu thích trên từng viên đá, trong các vũng, vịnh với những câu chuyện kể chính sử và dã sử cùng những truyền thuyết, huyền thoại vẫn mãi mãi tồn tại theo thời gian, tạo cho vùng đất này luôn có sự hấp dẫn kỳ lạ mỗi khi đặt chân tới hay chỉ được nghe qua lời kể. Địa danh thường được nhiều người nhắc tới khi bắt đầu đặt chân đến Sông Cầu và cũng để lại nhiều câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại chính là đèo Cù Mông với câu chuyện về Miếu Phò Giá Đại Vương trên gò Cà, câu chuyện về tên gọi Cù Mông. Còn ở đầm Cù Mông lại có một câu chuyện rất cảm động về tấm lòng chân thành và đôn hậu của người dân Sông Cầu qua câu chuyện về Chiếc bánh nậm của Nữ Nhi Phù Quốc. Trên bờ biển Bãi Tiên nằm cách thị trấn Sông Cầu 15 km về phía Bắc, giữa vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông có một huyền thoại về các cô tiên nữ xuống tắm trong đầm. Trong các vịnh, các vũng có câu chuyện về dấu chân của Nguyễn Ánh ở vũng La, chuyện hai ông tiên đánh cờ ở gành Tướng, chuyện về bờ ngăn cá vượt nói về sự tích núi Gành Đỏ và cù lao Ông Xá ở vũng Lấm, chuyện về dấu chân cao Biền ở Gành Cây Sung trong vũng Lắm... | |
|
Total comments: 0 | |