Chào mừng Các bạn đã ghé thăm Website của tập thể lớp chúng tôi vào Thứ 6, ngày 29/03/2024, lúc 5:21 PM. Chúc bạn tìm được những điều bạn cần trên Website của lớp chúng tôi. Nếu Bạn muốn Download tài liệu thì xin vui lòng đăng nhập để thấy linhk, nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với Quản trị Website theo số điện thoại: 0985639026 hoặc Email: chinh08cvhh@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Trang chủ » 2011 » Tháng 05 » 19 » Vài Lễ Hội Việt Nam trong đời sống Cộng Đồng Dân Tộc
9:58 PM
Vài Lễ Hội Việt Nam trong đời sống Cộng Đồng Dân Tộc

Vài Lễ Hội Việt Nam trong đời sống Cộng Đồng Dân Tộc

Nét đẹp trong ngày Tết bản làng

Trên mỗi làng quê Việt Nam, có biết bao điều kỳ lạ và hấp dẫn quanh tục lệ đón xuân. Dù có khác nhau ở từng dân tộc, song những tục lệ đó đều toát lên ước vọng mong muốn một năm mới nhiều hạnh phúc và may mắn cho mọi người.

Tết là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa Cũ và Mới, thời điểm trọng đại nhất trong vòng quay bất tận cua vũ trụ. Việt Nam có 54 dân tộc, và vì vậy cũng có 54 sắc thái, phong vị Tết khác nhau. Những phong tục đón Tết của người Việt hoặc Kinh - dân tộc lớn nhất Việt Nam ngày nay đã biến đổi nhiều do tác động từ những thay đổi của cuộc sống hiện đại.

 

Nhưng bên cạnh đó, tại những rặng núi trùng điệp phương Bắc và vùng sông nước chằng chịt kênh rạch của phương Nam, quê hương ngàn đời của các cộng đồng dân tộc thiểu số H'mông, Thái, Dao, Mường, Khơ-me…,những đặc thù văn hoá hầu như còn được bảo tồn nguyên vẹn, đa dạng và độc đáo. Chính các phong tục, tập quán lâu đời trong những ngày lễ, Tết sẽ có dịp bộc lộ rõ nét, làm say lòng khách phương xa nếu có dịp ghé thăm.

 

H'mông được coi là cộng đồng dân cư có cá tính mãnh liệt và phóng khoáng nhất. Họ sống trên các rẻo cao miền núi phía bắc, đời sống người H'mông gắn liền cùng nương ngô, cây súng kíp. Tết H'mông rơi vào cuối tháng một, đầu tháng chạp âm lịch. Tết thường kéo dài 12 ngày với nhiều sinh hoạt cộng đồng. Dân tộc H'mông rất ưa chuộng các nghi thức cúng tế cùng những trò vui. Trong mỗi gia đình, ngày Tết được khởi đầu bằng lễ hiến sinh gà, lợn vào giữa đêm giao thừa và sáng mồng 1 Tết. Cặp chân gà cúng đêm giao thừa sẽ cho gia chủ biết trước điều lành dữ sẽ đến trong năm. Sau đó, các gia đình trong họ tộc thường tổ chức ăn uống tại từng nhà. .

 

Trong ngày Tết, bên cạnh nghi lễ tín ngưỡng còn có nhiều trò chơi dân gian quen thuộc nhưng đầy tính thượng võ như chơi cù, ném pao, bắn nỏ, đua ngựa, múa khèn, chọi chim họa mi. Nói đến Tết của người H,mông không thể quên lễ hội Gầu Tào đi chơi ngoài trời, hay theo tiếng Quan hỏa là hội Sải sán leo – núi. Đây là một trong hai lễ hội quan trọng nhất với mục đích chính là cầu tự, cầu phúc, cầu sức khoẻ. Hội tổ chức trên bãi đất bằng rộng rãi, có trồng 1 hoặc 3 cây nêu cao, trên buộc 3 mảnh vải lanh màu đen, trắng và đỏ. Khách xa gần đến hộI đều được gia chủ đón tiếp thân tình với những bát rượu ngô nồng ấm và các làn điệu khèn tha thiết, ân tình.

 

Song thơ mộng nhất trong hội Gầu tào chính là những đám hát giao duyên của nam nữ thanh niên. Giữa lãng đãng của mây ngàn xứ núi, bóng áo chàm của các chàng trai quấn quít bên những bộ váy áo rực rỡ của các cô gái. Họ hát với nhau không chỉ thi thố tài nghệ mà còn để tìm hiểu nhau với ước mong nên vợ nên chồng sau những đêm hội đầu xuân.

 

Rời vùng núi đá trập trùng, bạn nên tìm tới các bản Mường ở độ cao thấp hơn, gần đồng bằng, sông suối. Văn hóa Mường có nhiều nét gần gũi với văn hóa Việt. Ngày Tết của người Mường cũng trùng với Tết của người Việt. Có thể cảm nhận được hương vị Tết Mường từ ngày 23 tháng chạp, khi những cô gái mường bắt đầu ngồi gói bánh chưng, bánh ống. Những ngôi nhà Thần linh của bản Mường được dọn sạch và cạnh đó được trồng một cây nêu với những hoa nêu kết từ phên đan hình mắt cáo.

 

Trước giờ giao thừa, những người con dâu cả của mỗi gia đình phải đi ra suối hoặc ra giếng múc một lọ nước gọi là "nước rồng”, "nước khú” về để thờ. Các "phường bùa" gồm từ 5, 7 đến vài chục người bắt đầu đến các gia đình trong làng hát xéc bùa chúc tục với những lời cầu phúc, cầu tài. Chủ nhà dón nhận lời chúc của phường bùa bằng thái độ trân trọng và lấy lúa gạo, quà cáp ra tặng lại. Sau hiệu lệnh điểm giao thừa, các gia đình bất đầu gõ mõ, đánh chiêng, cồng, đánh trống hoặc đâm đuống (máng để giã lúa), tạo nên nhũng thanh âm rộn ràng kéo dài chừng một khắc đánh dấu thời điểm năm mới đã đến. Có thể nói, âm hưởng đặc sắc, tiêu biểu nhất trong những ngày tết Mường chính là âm thanh của các dàn cồng và các phường bùa. Tiếng cồng ngân vang khắp ngày đêm ở khắp nơi , hòa quện với tiếng hát xéc bùa vui nhộn, nghe rạo rực lòng người.

 

Nếu một ngày nào có dịp tới đất phương Nam, đi sâu vào những miền kênh rạch xanh ngắt cây trái, bạn sẽ có cơ hội cùng những người Khơ-me chất phác ăn một cái Tết vào một thời điểm thật lạ, chẳng phải trong tiết trời se lạnh, lất phất mưa xuân của miền Bắc, mà giữa cái nắng như thiêu của vùng đất miền Nam Trung bộ. Chịu ảnh hưởng cua đạo Bà la môn và Phật giáo tiểu thừa, người khơ- me ăn Tết năm mới hay còn gọi Chuônch năm Thmây khác hẳn với các dân tộc anh em khác, vào khoảng từ 12 đến 15 tháng 4 dương lịch hàng năm. Trước ngày Tết, mọi con đường, mọi ngôi nhà trong làng được quét tước sạch sẽ, các cổng chào được dựng lên. Nhiều vùng, người dân chung nhau tiền mua tre nứa, cất nhà lễ rổn boon ở ngoài đồng. Sáng mồng một Tết, mọi người tập trung đông tại chùa làng để làm lễ mừng năm mới. Mỗi gia đình đều có mâm cỗ riêng, có các loại bánh như bánh tét, bánh tổ, bánh ít, bánh gừng, bánh tai yến, trước để cúng phật sau là cùng thụ hưởng. Trong ba ngày Tết, đồng bào khơ-me cũng đi mừng tuổi năm mới, chúc nhau sức khỏe, công việc làm ăn hưng thịnh.

Nguồn tin: danangpt

 

 

Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai

 

Một nét đẹp đã trở thành truyền thống trong đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên dải đất Việt Nam là lòng tôn kính, yêu thương và biết ơn sâu sắc ông bà, cha mẹ.

 

Ăn ở hiếu thảo đối với cha mẹ đã trở thành đạo lý quan trọng trong đạo làm người. Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai cũng nằm trong quan niệm "Cây có cội, nước có nguồn”, nhưng cách thể hiện có những nét độc đáo riêng và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của họ. Người Raglai coi lễ này không phải là chuyện nội bộ của một gia đình, mà là việc chung của cả cộng đồng và do đó được xếp vào trong hệ thống lễ hội chung, như lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ ăn cơm mới, lễ cúng Yang...

 

Đền ơn đáp nghĩa cha mẹ, tiếng Raglai là "Ea tixâu pilâu dhadha”. Bất cứ người Raglai nào cũng đều cho rằng công lao của cha mẹ như núi cao, như nước mạch nguồn chảy ra. Và họ tâm niệm sẽ đền đáp xứng đáng ngay từ khi còn ở chung nhà, chung bếp cho đến khi có vợ, có chồng ra ở riêng. Nhưng như thế chưa đủ, theo tập tục của người Raglai, việc đền ơn đáp nghĩa cha mẹ đối với họ phải được nâng lên thành nghi lễ, được họ tộc và buôn làng chứng kiến, thừa nhận, như thế mới được coi là trọn vẹn. Theo quan niệm đã có từ lâu đời của người Raglai, điều bất hạnh lớn nhất của con người là cha mẹ qua đời mà người con chưa kịp làm lễ Ea tixâu pilâu dhadha. Sự ân hận này nhiều khi ray rứt người con suốt cả đời. Do đó, mỗi người Raglai khi trưởng thành, ngoài trách nhiệm chăm sóc, kính yêu cha mẹ thường ngày, nếu cảm thấy cha mẹ có dấu hiệu già yếu (sức khỏe kém, da mặt có nhiều nếp nhăn, tóc bạc, kém ăn, mất ngủ...) thì phải chuẩn bị lễ vật để tổ chức lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ.

 

Thông thường, lễ vật gồm có thịt heo, thịt gà, gạo, nếp, rượu cần, một ít trầu cau, thuốc lá... Nhà nhiều của thì chuẩn bị làm lễ lớn, giết trâu, bò... người nghèo thì tùy theo khả năng kinh tế của mình mà tổ chức. Vật chất không phải là tiêu chuẩn để đánh giá tấm lòng hiếu thảo của con đối với mẹ cha, cái chính là thái độ, là tấm lòng của người con đối với cha mẹ trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng. Sự có mặt của bà con trong buôn làng vừa biểu thị tình cảm quý mến, vừa để chứng kiến việc thực hiện một tập tục xã hội. Họ mang đến những lời chúc tụng chân thành của cộng đồng đối với gia đình nói chung và cha mẹ của gia chủ nói riêng. Những gia đình khá giả, hoặc gặp những năm được mùa, thường tổ chức cuộc lễ này rất lớn và vui chơi kéo dài hai ba ngày đêm.

 

Về nghi thức, khi cỗ bàn được bày ở giữa nhà, thì mẹ cha - đối tượng chính của buổi lễ - được mời ngồi vào vị trí trung tâm, nơi trên mâm cỗ đặt một đĩa thịt và lòng heo đủ món. Những người khác gồm bà con, họ hàng, người trong buôn... đều tề tựu đông đủ chung quanh. Sau khi tiến hành lễ khấn vái các Yang, mời gọi tổ tiên, ông bà và những người khuất mặt cùng về chứng kiến tấm lòng của con đối với cha mẹ, người con rót một chum rượu trắng thật đầy kính cẩn mời mẹ cha. Tiếp đó, người con tự tay bưng đĩa thịt, gắp từng miếng đút cho cha mẹ ăn để tỏ lòng hiếu thảo, trước sự chứng kiến của cộng đồng. Nếu đĩa thịt được ăn hết, thì đó là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với gia đình người con. Hoặc có thể cha mẹ chỉ ăn vài miếng tượng trưng, như thế cũng đã đủ là điều vui sướng. Trong không khí hân hoan ấy, chủ nhà mời bà con, họ hàng cùng chia sẻ niềm vui. Họ vừa ăn uống, vừa trao đổi những lời chúc tụng tốt đẹp đối với gia đình và những người cao tuổi trong buôn. Lễ vật còn được dành ra một phần để mẹ cha đưa về cúng ông bà tại nhà mình và biếu cho một số người thân.

 

Sau bữa tiệc, đến phần sinh hoạt văn nghệ, vui chơi. Khi tiếng mã la nổi lên cùng dàn nhạc hòa theo, nam nữ thanh niên và cả những người lớn tuổi cùng nhau nhảy múa, ca hát. Cuộc vui kéo dài đến suốt đêm.

 

Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai nhìn về hình thức có vẻ như rất đơn sơ, mộc mạc, nhưng bên trong hàm chứa một đạo lý sâu sắc được cả cộng đồng thừa nhận và hưởng ứng nhiệt thành, đầy tình nghĩa. Truyền thống đạo lý mang đậm tính nhân văn này đã được các thế hệ người Raglai kế thừa và bảo tồn cho đến ngày nay.

 

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Lễ cấp sắc của dân tộc dao

 

Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông Dao. Lễ cấp sắc cũng tương tự như lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, được làm nghề cúng bái và được giao tiếp với cõi âm. Lễ cấp sắc có nhiều bậc: 3 đèn, 7đèn và 12 đèn.

 

Ông thầy trong lễ cấp sắc phải chọn thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới. Buôỉ lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ. Người đàn ông có vợ thường là những người được cấp sắc, tức là để được coi là người đàn ông trưởng thành bắt buộc phải qua lễ cấp sắc.

 

Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, đây là nghi thức thông thường được diễn ra trong lễ cấp sắc của người Dao. Bậc 2 họ được cấp 7 đèn và 72 binh mã và cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Nhón Dao Tiểu Bản thường chỉ cấp sắc ở 2 mức độ: 3 đèn và tẩu slai hoặc 7 đèn trở lên ( đối với nhóm Đại Bản) thì người đàn ông Dao mới trở thành thầy cúng. Thầy cúng có 2 cấp: Sài có là người theo thầy để giúp và học việc; sài tía là người đã trải qua lễ cấp sắc 3 đèn hoặc 7 đèn.

Việc đầu tiên của lễ cấp sắc là gia chủ phải làm cơm, rượu cúng báo tổ tiên về việc chuẩn bị và hẹn thời điểm tiến hành lễ cấp sắc. Sau đó phải nuôi 2 con lợn 1 đực 1 cái chuẩn bị cho việc cúng bái trong lễ cấp sắc . Ngoài ra phải chuẩn bị lợn, gà, rượu, gạo…để làm cỗ và vài trăn nghìn tiền mặt để bồi dưỡng thầy. Thường là một lễ cấp sắc 3 đèn thì cần 3 thầy, 7 đèn thì 7 thầy. Ông thầy cả gọi là chí chẩu sai hoặc cô tàn sai, các thầy phụ gồm: dần chái, tình mình, pá tạn, tông tàn.

Ngày hành lễ cấp sắc thường được tiến hành vào những tháng cuối năm. Trước khi hành lễ , người cấp sắc phải kiêng khem một số thủ tục như: không được nói tục chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý đến phụ nữ…. Thời gian tiến hành lễ cấp sắc 3 đèn kéo dài từ 1 đến 2 ngày; cấp sắc 7 đèn kéo dài 3 đến 5 ngày.

Các nghi lễ chính trong lễ cấp sắc gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự, sau đó thầy cúng làm lễ khai đàn, nhằm báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ. Lễ thụ đèn , người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ một cây tre, nứa, ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thày đốt đèn, đặt nến để làm lễ. Đặc biệt trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện, tại đạo sắc này tên âm của người thụ lễ được ghi luôn để khi chết về được với tổ tiên. Quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả và bố đẻ. Sau đó các thầy sẽ dạy cho người thụ lễ một số điệu múa.

Kết thúc nghi lễ, các thầy múa để dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh. Từ đây chàng trai thụ lễ đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.

Nguồn: báo Bắc Kạn

Chủ đề: Lễ hội miền Bắc | Lượt xem: 702 | Đăng bởi: hoangtu_bongdem2912_86 | Đánh giá: 0.0/0
Total comments: 0
Chỉ thành viên mới có thể thêm ý kiến.
[ Đăng ký | Đăng nhập ]
 
Trang chủ | Lý lịch! | Ghi danh | Đăng xuất | Đăng nhập 

Website được phát triển bởi các thành viên lớp 08cvhh - Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Sư Phạm Đà Nẵng

== Website bắt đầu hoạt động từ ngày 01 tháng 5 năm 2011==